Ngành sản xuất bao bì thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam đang đi theo xu thế xanh hóa của thế giới, song việc này cũng đặt cho doanh nghiệp bài toán về chuyển đổi sản xuất.
Thời của bao bì xanh
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thế giới đang sản xuất gấp đôi lượng chất thải nhựa so với 2 thập kỷ trước.
Hầu hết vòng đời của bao bì nhựa kết thúc tại các bãi rác, bị đốt cháy hoặc rò rỉ vào môi trường. Chỉ có 9% trong số đó được tái chế thành công. Dân số thế giới vẫn tiếp tục gia tăng và cùng với đó là nhu cầu về bao bì cũng tăng lên. Dự kiến, sản lượng nhựa toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, có thể dẫn đến việc tăng gấp đôi khối lượng chất thải nhựa và tăng gấp ba lượng rò rỉ nhựa vào biển trong năm này.
Trong xu hướng sản xuất xanh, bền vững, ngành sản xuất bao bì phục vụ ngành đồ uống và thực phẩm Việt Nam cũng chịu áp lực lớn về sản phẩm tái chế được. Đây càng là yêu cầu bắt buộc với các nhà sản xuất có cơ cấu hàng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam khẳng định: “Bao bì xanh, có thể tái chế là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Hàng năm, Nestlé sử dụng lượng bao bì cực lớn. Nhưng, Công ty đã sớm cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường”.
Việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất bao bì hơn đối thủ khác trên thị trường, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó về tiếp cận vốn cho chuyển đổi. Ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Công ty Thủy Vinh |
Những giải pháp này đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm 2021-2022.
Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của Công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) nhận định, xu hướng chuyển đổi sang bao bì xanh đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ đó nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà ngay ở thị trường nội địa với sức tiêu dùng hàng thực phẩm và đồ uống tăng nhanh.
Sản xuất - kinh doanh thực phẩm chế biến nhiều năm, Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu cho biết, chất lượng sản phẩm là yêu cầu sống còn, nhưng theo xu thế, nếu bao bì sản phẩm không thể tái chế, gây rác thải ra môi trường sẽ khó cạnh tranh hơn.
Chuyển đổi sản xuất là tất yếu
Quy mô thị trường đồ uống Việt Nam năm 2022, theo Statista, ở mức 26 tỷ USD và tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2023, đạt khoảng 27,2 tỷ USD.
Còn thị trường thực phẩm của Việt Nam năm 2023 được dự báo tăng 9% so với năm 2022 và tăng bình quân khoảng 8,2%/năm trong giai đoạn 2023 - 2027.
Quy mô thị trường lớn và còn tiếp tục tăng trưởng tạo ra dư địa cực lớn cho ngành bao bì trong việc cung ứng cho các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống. Trong đó, cơ hội tăng trưởng nhanh sẽ về tay những doanh nghiệp bao bì có sự chuyển đổi nhanh, thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh.
Trước thềm Triển lãm Quốc tế lần thứ 16 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam (ProPak Vietnam 2023), diễn ra từ ngày 8 đến 10/11/2023, đơn vị tổ chức sự kiện là Informa Markets, thuộc Informa PLC (Anh) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở khởi đầu của một cuộc biến đổi lớn trong ngành bao bì đóng gói. Nhưng tín hiệu mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức về chuyển đổi sản xuất để tiệm cận nhu cầu tiêu dùng xanh.
Cũng theo Informa Markets, thời gian gần đây, số lượng công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và doanh nghiệp thực phẩm cam kết thay đổi hệ thống đóng gói cũng tăng lên.
Lý do là, người tiêu dùng ngày càng nhận thức cao hơn về bao bì thân thiện, trong khi Chính phủ liên tục ban hành các chính sách về sản xuất sạch hơn, tiến tới Net Zero vào năm 2050, khiến nhu cầu về giải pháp đóng gói bền vững ngày càng tăng.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho rằng, trong cuộc đua cam kết về Net Zero, những doanh nghiệp tiên phong sẽ được hưởng lợi và sẽ dẫn dắt thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Một nghiên cứu của Công ty tư vấn Nielsen chỉ ra rằng, 86% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm có bao bì sinh học hoặc tái chế.
Đây là một xu hướng toàn cầu, khi mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Các doanh nghiệp ngành bao bì cần đầu tư vào công nghệ và nguồn nguyên liệu để sản xuất các loại bao bì có khả năng phân hủy sinh học, tái sử dụng hoặc tái chế.
Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua sản xuất bao bì xanh, các doanh nghiệp nội đang chậm chân hơn doanh nghiệp ngoại bởi eo hẹp về vốn cũng như quy mô sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas) cho biết, ngành bao bì đóng gói tăng trưởng bình quân 10 - 15%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với nhiều nhà đầu tư và ngành này được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, giống như các ngành khác, ngành bao bì cũng chịu thách thức lớn từ chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn.
Theo: Báo Đầu tư