Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:34 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Bảo vệ môi trường bằng việc thúc đẩy sử dụng bao bì xanh

08/08/2023

Bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay. Nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường gắn với thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và tăng uy tín xã hội, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược sử dụng bao bì xanh.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Trong đó, mỗi ngày các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế. Trong số, rác thải được thải ra thì bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay.
Đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm đảo bảo sức khỏe và cải thiện môi trường sống.
Bao bì xanh là bao bì có chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, dễ dàng tiêu hủy trong thời gian ngắn. Đó là những sản phẩm không gây hại đến sức khỏe con người và không để lại hậu quả nghiêm trọng với môi trường sống. Sản phẩm phục vụ cho việc đóng gói, bảo quản thực phẩm, đựng mang đi phục vụ người tiêu dùng.
Xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng xanh trên khắp thế giới đã làm thay đổi tư duy sản xuất, phân phối và thương mại. Giá trị của sản phẩm không chỉ còn chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Do vậy, xu hướng sử dụng bao bì xanh trở thành xu hướng toàn cầu.
Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, người tiêu dùng thậm chí đã bắt đầu gây áp lực lên các nhà sản xuất và thương hiệu không tuân theo cách tiếp cận bền vững hơn đối với bao bì sản phẩm khi mà rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường lớn thứ hai chỉ sau biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia môi trường, chúng ta đang sống trong một môi trường ô nhiễm từ nguồn nước, nguồn đất đến không khí. Nếu vẫn tiếp tục với thói quen cũ, sử dụng bao bì nilon và chai nhựa thì tình trạng môi trường sẽ trở nên nguy cấp, ảnh hưởng trầm trọng đến an sinh và cuộc sống con người. Do vậy, ngay lúc này là thời điểm để mỗi người chúng ta cùng nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc xu hướng sử dụng bao bì xanh để hạn chế rác thải nhựa khó phân hủy đang ngày một nhiều lên.
Tại Việt Nam, với mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế doanh nghiệp trên khía cạnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải và tăng uy tín xã hội, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng chiến lược bao bì phù hợp với nhu cầu khách hàng như sử dụng bao bì bằng vật liệu tái sử dụng hoặc đóng gói bao bì, tổ chức luân chuyển bao bì tối ưu.
Chẳng hạn, để phát triển logistics xanh, doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng các bao bì làm từ vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Ví dụ kho lạnh Nam Hà Nội có các quy trình kiểm soát logistics xanh ngay từ khâu đóng gói bao bì hàng hóa như sử dụng các màng bọc được làm từ nguyên liệu bao bì đơn giản nhất, có thể phân hủy trong tự nhiên.
Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp sử dụng pallet (gỗ, nhựa,...) để đặt sản phẩm thay vì sử dụng bao bì chiếm diện tích kho và ảnh hưởng đến mức độ xanh hóa. Với đặc điểm tái sử dụng, công cụ này đặc biệt hiệu quả trong việc phân phối và vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn hàng hóa cũng như hạn chế việc sử dụng quá nhiều các bao bì, giấy chèn lót sản phẩm tạo ra rác thải môi trường.
Theo kết quả khảo sát, một tín hiệu đáng mừng trong hoạt động đóng gói là, tỷ trọng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì bằng giấy và carton đã được tới 42,9% các doanh nghiệp sử dụng, 1,2% doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng gỗ. Các loại bao bì kém thân thiện với môi trường hơn xốp, nilon, nhựa tái chế được lần lượt 12,5%, 11,9% và 11,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát sử dụng.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. Việc này sẽ rất khả quan khi có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, trong thời gian tới, cần đưa ra chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng.
Theo: Công nghiệp và Môi trường