Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:35 GMT+7

Tin hoạt động

Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

07/08/2023

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác tác quốc tế Đức (GIZ) và Dự án Hướng tới sự tuần hoàn của GIZ (Go Circular Vietnam) tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về “Dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Đây là một trong các hoạt động nghiên cứu, trao đổi ý kiến nhằm tăng cường năng lực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV)  
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới đã và đang quan tâm hơn đến với mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trong các năm 2020 - 2021 đã khiến các quốc gia phải nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng.
Thực tiễn công cuộc đổi mới trong hơn 36 năm qua cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội: tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh cũng đang góp phần gia tăng thách thức cho Việt Nam về các vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng… Theo đó, một trong những giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới là chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Để làm được điều đó, Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất, gắn với số hóa và các giải pháp Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong đó, việc tối ưu hóa liên kết sản xuất, quan hệ đầu vào - đầu ra giữa các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, giữa các cấu phần trong mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dựa vào các công nghệ 4.0, trong đó có dữ liệu lớn, Internet vạn vật...
Cũng theo Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương, với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu, CIEM luôn tư duy để tham mưu cho Chính phủ, cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ dừng ở “ứng phó” với những biến động và thách thức, mà còn phải có những tham mưu cải cách quan trọng nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, Viện đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, làm cơ sở để báo cáo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xây dựng và phê duyệt tại một thời điểm rất quan trọng. Thời điểm đó, Việt Nam phải cân nhắc những định hướng, yêu cầu chính sách nhằm bảo đảm phát triển bền vững hơn để thực hiện Cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và xử lý thách thức về gián đoạn chuỗi cung ứng cùng với yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau những khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế trong các năm 2020 - 2021.
Quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định này đã đặt ra cách tiếp cận hướng nhiều hơn tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
“Bản thân CIEM đã nghiên cứu và đề xuất tập trung thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn theo hướng các ngành được lựa chọn thử nghiệm phải có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt ưu tiên các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn. Các công cụ chính sách được thử nghiệm cũng phải bảo đảm tập trung, thực chất, tránh tràn lan để “đếm số lượng”- ông Nguyễn Hoa Cương nói.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương đã trình bày Dự thảo Nghị định. Theo đó, 4 lĩnh vực được đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại dự thảo Nghị định, bao gồm: Nông-lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng.
Về nội dung chính sách thử nghiệm, dự thảo Nghị định đưa ra 7 nội dung, bao gồm: Nội dung chính sách 1: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; Nội dung chính sách 2: Phân loại xanh; Nội dung chính sách 3: Chính sách ưu đãi thuế; Nội dung chính sách 4: Chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; Nội dung chính sách 5: Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; Nội dung chính sách 6: Chính sách đào tạo lao động; Nội dung chính sách 7: Chính sách đất đai. 
Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đều nhất trí cao rằng, để Việt Nam sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm chuyển đổi, phát triển thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song chưa đủ. Việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ, có cả tính động lực và an toàn cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp,…) mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương.
Hầu hết các đại biểu đều mong muốn khi Dự thảo Nghị định được thông qua, Việt Nam sẽ nhanh chóng có một cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới đây.
Mai Anh