Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:52 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Sản phẩm Việt trong xu hướng 'xanh - sạch – lành'

04/08/2023

Ngày nay, cuộc sống ngày càng tiến bộ, bên cạnh khái niệm “ăn ngon, mặc đẹp”, nhiều người tiêu dùng còn quan tâm đến khái niệm “ăn xanh, mặc bền”.
Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, đòi hỏi nhận thức của các doanh nghiệp (DN), người sản xuất cũng phải thay đổi, nâng cao hơn thông qua áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của cơ quan quản lý, đặc biệt là nhu cầu của khách hàng.
Một trại chăn nuôi gà ăn chay organic ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom). Ảnh: Hoàng Hải
Xu hướng sản xuất xanh
Trong xu thế tiêu dùng an toàn, tiêu dùng xanh, nhiều DN trong nước, trong đó có nhiều DN địa phương, đã chủ động ứng dụng các tiêu chí sạch, xanh vào sản xuất. Đồng thời, ngày càng quan tâm hơn đến tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập, thị hiếu có nhiều thay đổi như hiện nay.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH LMK Global (TP.Biên Hòa) Vương Đình Vũ cho hay, từ khi thành lập đến nay, công ty luôn chú trọng đến các yếu tố quan trọng trong lựa chọn sản phẩm để phân phối đến tay người tiêu dùng như: bảo đảm an toàn vệ sinh, tốt cho sức khỏe, thương hiệu tin cậy, bảo vệ môi trường và giá thành hợp lý... Dù công ty có trang trại trồng nông sản sạch tại TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nhưng cung không đủ cầu. Do đó, ông còn phân phối độc quyền nhiều loại nông sản, thực phẩm sạch của các thương hiệu, DN Việt như: sản phẩm thịt heo, gà sạch của thương hiệu Bapi Hoàng Anh Gia Lai; thịt heo ăn chay thương hiệu Siba Food tại Đồng Nai; dê ăn mít Hương Sơn; hải sản tươi đảo Phú Quý... Hiện công ty đang kinh doanh 2 cửa hàng tiện lợi Bapi Food và sắp tới sẽ mở rộng thêm mô hình nhà hàng ăn uống kết hợp bán các nông sản, thực phẩm sạch tại chỗ ở TP.Biên Hòa.
“Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ hiện rất cao. Tôi mong góp phần thay đổi thói quen của nhiều gia đình trong việc tìm nguồn thực phẩm lành mạnh. Do đó, tôi luôn ưu tiên nhập hàng, phân phối các loại nông sản thực phẩm hữu cơ của Việt Nam có quá trình chăn nuôi, trồng trọt cho đến chế biến, đóng gói đều tuân thủ quy định nghiêm ngặt để đảm bảo các sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn khách hàng đều thực sự là những sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe” - ông Vương Đình Vũ chia sẻ.
Ông Dương Quốc Hải, chủ hệ thống Minh Thành Farm - Trứng gà ăn chay organic cho biết, hiện ông có trang trại gà ta quy mô hơn 120 ngàn con tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) với hệ thống chuồng trại hiện đại, tự động hóa và quy chuẩn chăn nuôi quốc tế. Tất cả nguyên liệu, dinh dưỡng và đạm nuôi gà tại trang trại đều thuần thực vật bao gồm: bắp, đậu nành, dầu đậu nành; ngoài ra, không pha trộn bất kỳ thành phần bột, cám động vật, nhờ đó gà khỏe hơn, không phải sử dụng thuốc kháng sinh. Chính vì vậy, trứng gà “ăn chay” cũng ngon - sạch - dinh dưỡng cao, đặc biệt không có mùi tanh, khác biệt hơn so với các loại trứng gà tràn lan trên thị trường.
“Với kinh nghiệm trong nhiều năm chăn nuôi của gia đình, tất cả những công nghệ mới, thức ăn tốt cho sức khỏe con gà đều được trang trại của tôi cập nhật, ứng dụng, không chạy theo lợi nhuận. Mỗi ngày, trung bình trang trại của tôi thu hoạch từ 24-25 ngàn trứng gà, cao điểm có thể đạt gần 60 trứng. Lượng trứng này thường được đặt hàng, phân phối sỉ khắp khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên sắp tới, tôi sẽ đẩy mạnh bán lẻ tại TP.Biên Hòa thông qua hình thức trực tuyến vì mong muốn mang đến sản phẩm trứng gà “ăn chay” sạch, với nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho người tiêu dùng” - ông Dương Quốc Hải cho hay.
Người tiêu dùng đón nhận
Theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng xem trọng yếu tố bền vững, xanh - sạch - lành, đặc biệt là có nhiều sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, ăn uống. Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tăng sử dụng các nông sản, thực phẩm sạch vì sức khỏe của bản thân và cả gia đình. Trong đó, phát triển các hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại góp phần không nhỏ trong việc đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng vì đa số đều được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống, chợ tự phát nên hàng hóa đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Đồ họa thể hiện các yếu tố người tiêu dùng quan tâm, chú trọng khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh năm 2022. Đồ họa: Hải Hà
Chị Trần Thị Thúy Anh (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, nhiều người vẫn cho rằng hàng hóa mua ở chợ truyền thống phong phú, đa dạng, giá thành rẻ, trong khi các sản phẩm nông sản Việt hữu cơ có giá thành cao, ít sự lựa chọn. Tuy nhiên, hiện các trang bán hàng nông sản, thực phẩm trực tuyến lẫn siêu thị, cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều kênh lựa chọn về chủng loại, xuất xứ lẫn giá thành.
“Mặc dù cung - cầu trong xu hướng nông sản sạch đã gặp nhau, nhưng các cơ quan chức năng vẫn cần kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng cũng như thường xuyên tuyên truyền để các DN, người sản xuất hiểu được giá trị của việc kinh doanh nông sản sạch. Từ đó, tạo thêm niềm tin, giúp người tiêu dùng an tâm trong việc lựa chọn nông sản Việt sạch vì sức khỏe” - chị Thúy Anh nói.
Xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng trong thời gian tới thường tập trung ở các loại sản phẩm, thực phẩm hữu cơ, các sản phẩm giàu dinh dưỡng, trái cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, nhiều DN, đơn vị cũng chú trọng đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, kết nối với nhau... nhằm cung ứng sản phẩm sạch, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo: Báo Đồng Nai