“Biến” phế phẩm da bò thành thức ăn chăn nuôi và phân bón sinh học
12/07/2023
Ông Đặng Tiến Dũng và các cộng sự tại Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Sau thu hoạch đã ứng dụng công nghệ để biến những tấm da bò thải loại thành thức ăn chăn nuôi và phân bón sinh học phục vụ cho nông nghiệp.
Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, chất thải trong quá trình sản xuất giày dép chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp, chẳng hạn như các loại vật liệu sản xuất mũ, lót giày dép, cặp, túi ví, đế giày như da, vải, giả da, cao su, PU, PVC. Đánh giá chung mức tiêu hao tài nguyên của ngành còn cao do công nghệ và thiết bị lạc hậu.
Rác thải ngành da giày, túi xách thuộc loại khó phân hủy trong môi trường tự nhiên và cực kỳ độc hại nếu như không được xử lý đúng cách. Bên cạnh đó, việc chôn lấp hiện nay chưa thỏa mãn đầy đủ yêu cầu xử lý đặc biệt đối với loại rác thải trên khiến việc tìm kiếm một phương pháp xử lý phù hợp là điều tiên quyết đối với ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Rác thải ngành da giày, túi xách thuộc loại khó phân hủy trong môi trường tự nhiên và cực kỳ độc hại nếu như không được xử lý đúng cách (Ảnh minh hoạ)
Từ thực tế đó, ông Đặng Tiến Dũng và các cộng sự tại Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ sau thu hoạch đã có sáng kiến tận dụng phế phẩm da bò để tạo ra thức ăn chăn nuôi và phân bón sinh học. Sáng kiến nhằm mục đích tạo ra một quy trình công nghệ giúp giải quyết phế phẩm da bò trong ngành công nghiệp dệt may, biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế.
Quy trình thực hiện bao gồm các bước: cắt nhỏ da bò thành các miếng kích thước khoảng 1-2 cm, sau đó đem đi rửa sạch để loại bỏ cát bụi và một số chất dơ khác bám trên bề mặt. Kế đến đem ngâm trong bồn dung dịch hóa chất (thứ nhất) kết hợp với siêu âm và nhiệt độ để phá vỡ liên kết của crom với da bò giúp cho crom ở trạng thái tự do. Sau đó da bò được vắt khô và ngâm vào bồn dung dịch hóa chất (thứ hai) kết hợp với khuấy để hòa tan crom ở trạng thái tự do hòa tan hoàn toàn vào trong dung dịch. Sau khi crom đã hòa tan hoàn toàn vào dung dịch, đem lọc thu được da bò đã loại bỏ gần như không còn crom rồi đem rửa sạch ta sẽ thu được da bò nguyên chất không còn crom.
Cuối cùng, da bò này tiếp tục được ngâm vào dung dịch (thứ ba) kết hợp với gia nhiệt khuấy trộn để gelatin hóa da bò làm cho trương nở và mềm, sau đó đem lọc và rửa sạch rồi đem trộn với hệ vi sinh và đem ủ để chuyển hóa các hợp chất hữu cơ thành các đơn chất và tạo mùi thơm giúp cho gia súc hoặc ấu trùng dễ dàng chuyển hóa hoàn toàn thức ăn này.
Bên cạnh đó, da bò sau khi xử lý còn được xay nhỏ làm nguyên liệu thức ăn trực tiếp nuôi ruồi lính đen và bổ sung đạm trong thức ăn chăn nuôi thủy hải sản. Sản phẩm sau thủy phân phối trộn các chất khoáng như sắt, đồng, kẽm, mangan... thực hiện phản ứng chelatropic tạo phân bón chelate axit amin, là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Theo đó, quy trình công nghệ kể trên khi được triển khai sẽ giúp giải quyết phế phẩm da bò trong ngành công nghiệp dệt may, biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm sản phẩm trên một số lượng nhỏ ruồi lính đen, thủy hải sản, cây trồng. Kết quả mang lại rất tích cực. Mô hình này không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng và còn giúp bảo vệ môi trường. Quá trình nuôi ruồi lính đen góp phần phân hủy rác thải và hoàn toàn không tạo mùi khó chịu ra môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cũng cần thận trọng trong việc phát triển các công nghệ này, bởi bên trong da thuộc không chỉ có chrome còn có những kim loại nặng gây hại khác tồn tại nhưng chưa được lọc sạch. Bên cạnh đó, cần phải tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá thành phần dinh dưỡng bên trong da thuộc và nên dùng với liều lượng và công thức bao nhiêu để phù hợp với mô hình chăm sóc ruồi lính đen, thủy hải sản và cây trồng về lâu dài.
Tuệ Lâm