Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:29 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tận dụng vỏ trứng và vỏ đầu tôm để sản xuất phân bón sinh học

06/07/2023

Việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón sinh học không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Mới đây, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) đã hoàn thành đề tài "Nghiên cứu quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng; oligochitosan, axit amin từ vỏ đầu tôm, phối chế làm phân bón lá sinh học” chuyên dùng cho cây rau và hoa kiểng.
Việc tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón sinh học không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. (Ảnh: MT&ĐT)
Quy trình thực hiện đề tài bao gồm các công đoạn: chiết xuất Ca2+ (Ion Ca) từ vỏ trứng gia cầm và chiết xuất chitosan, thu hồi axit amin từ vỏ đầu tôm, thông qua gia nhiệt cùng với xúc tác enzym sinh học và thực hiện điều chế Oligochitosan. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phối chế dịch chiết xuất canxi từ vỏ trứng gia cầm với Oligochitosan và axit amin từ vỏ đầu tôm, và tạo ra được 2 chế phẩm phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE có chất lượng cao. 
Chế phẩm phân bón này sau đó đã được thử nghiệm cho rau cải thìa canh tác trên vùng đất xám tại huyện Củ Chi và thu về những kết quả khả quan: cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng, nâng cao năng suất và chất lượng rau. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón lá cũng đã làm giảm sự gây hại của bệnh thối nhũn và nâng cao chất lượng cảm quan cho cây trồng.
Việc tận dụng vỏ trứng và vỏ đầu tôm để sản xuất phân bón sinh học vừa góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, vừa phát triển vùng rau hữu cơ an toàn, nâng cao chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Tuệ Lâm