Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 16:48 GMT+7

Khoa học công nghệ

Xử lý và thu hồi chất dinh dưỡng có trong nước thải thủy sản

03/07/2023

Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây ngày càng mạnh mẽ và khó lường. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đó, cuộc đua tìm ra những giải pháp xanh giúp bảo vệ môi trường đang được triển khai. Trong đó việc tìm ra giải pháp vừa giúp bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế đang được đánh giá cao.
Việc xử lý nước nước thải thuỷ sản bằng công nghệ truyền thống vẫn phát sinh mùi hôi.
Đà Nẵng được xem là thành phố đáng sống của Việt Nam nhưng hiện nay đang nổi lên hiện tượng về ô nhiễm nguồn nước tại các chợ truyền thống, chợ thủy sản và khu chế xuất thủy hải sản. Tại đây vẫn áp dụng xử lý nước nước thải bằng công nghệ truyền thống và phát sinh mùi hôi rất nhiều.
Bên cạnh đó, bản chất nước thải thủy sản chứa rất nhiều chất hữu cơ, nếu như thu hồi được lượng dinh dưỡng thì rất có ích.
Trước thực tế đó, Công ty TNHH Dầu Khí Việt thực hiện dự án “Xử lý nước thải bằng vi tảo kết hợp thu hồi sinh khối tảo để sản xuất thức ăn chăn nuôi” tại Thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết được các vấn đề ô nhiễm do nguồn nước thủy sản gây ra, góp phần hạn chế được lượng khí CO2 giúp bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo ra nguồn sinh khối đa ứng dụng có lợi ích to lớn và đưa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp giảm giá thành thức ăn dạng viên cho vật nuôi. 
Anh Nguyễn Quốc Vương – Giám Đốc Công ty TNHH Dầu Khí Việt: Thực hiện dự án, giống vi tảo Chlorella vulgaris được đơn vị lựa chọn để nuôi trồng trong nước thải thuỷ sản được lấy từ Khu chế xuất thuỷ sản Thọ Quang, Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Cụ thể, đơn vị tiến hành nuôi trồng vi tảo trong môi trường nước thải với khoảng thời gian là 4-5 ngày. Nước thải từ màu trắng đục sẽ chuyển sang màu xanh đậm. Tại đây được thiết lập các điều kiện cố định tạo môi trường giả định cho tảo sinh trưởng và phát triển. Cường độ ánh sáng là trên 10000 lux và sục khí. Khi mà sinh khối đạt đến ngưỡng tối thiểu có thể thu hoạch là 1 g/lít thì được chuyển sang khâu điện phân keo tụ tuyển nổi. Hiệu quả của toàn bộ quy trình đạt hiệu xuất 97% khả năng xử lý nước thải. 
Hình ảnh trước và sau khi nuôi tảo trong Phòng thí nghiệm 
Với các kết quả trên, đơn vị tiến hành thử nghiệm đối với nước thải thủy sản với quy mô 6m3/ngày trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy vi tảo Chlorella vulgaris có khả năng xử lý đến trên 85% hợp chất nitơ và trên 60% hợp chất photpho, làm giảm đáng kể độ đục, mùi, cũng như chỉ số COD của nước thải.
Nước thải chưa nuôi tảo bằng nước thải thuỷ sản tại thuỷ sản Đà Nẵng. 
Nước thải đã nuôi tảo bằng nước thải thuỷ sản tại thuỷ sản Đà Nẵng.
Ngoài ra, để tận dụng vi tảo đã nuôi trồng, đơn vị đã xây dựng hệ thống thu hoạch vi tảo bằng phương pháp điện phân keo tụ tuyển nổi. 
Thiết bị thu hồi sinh khối tảo sau khi xử lý
Tính mới và sáng tạo của dự án là sử dụng vi tảo Chlorella vulgaris để nuôi trồng trong các nguồn nước thải (sinh hoạt, chế biến thủy hải sản) không chỉ giúp xử lý nước một cách hiệu quả mà sinh khối tảo thu hồi được có thể tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất biodiesel, một loại nhiên liệu mới, sạch và thân thiện với môi trường.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội: Việc sử dụng vi tảo nuôi trồng trong nước thải giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng và hấp thụ CO2 làm hạn chế sự ô nhiễm tài nguyên và nóng lên của Trái đất. Nghiên cứu hướng tới bảo vệ môi trường đồng thời mang lại lợi ích cộng đồng bằng việc người dân tham gia vào dự án từ việc nuôi trồng và tạo ra nguồn thu nhập.
Không những vậy trong thời gian triển khai dự án, đơn vị đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng cấp thành phố và quốc gia như: Giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp SURF 2022 thành phố Đà Nẵng, Giải nhất Techfest vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Chung kết Khởi nghiệp Nông thôn của Trung Ương Đoàn,..
Chia sẻ về tính khả thi của dự án, Vương cho biết: “Tính khoa học và khả năng xử lý của công nghệ đã được kiểm chứng tại các Hội nghị, báo cáo khoa học cấp quốc gia và quốc tế. Hiện công nghệ đưa ra và giới thiệu với xã hội đã nhận được một số sự quan tâm bước đầu và hỗ trợ nhất định.”
Anh Thư