Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nước ta đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc quản lý chặt chẽ, đặc biệt là xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) trong chăn nuôi đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không thực hiện tốt. Do vậy, xử lý chất thải chăn nuôi không chỉ là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ môi trường mà còn đem lại lợi ích, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi.
Sử dụng phế, phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi
Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của Công ty Cổ phần T&T 159 tại xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Công ty xây dựng khu liên hợp tự thu gom phế, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, với quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại. Để giảm tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Công ty Cổ phần T&T 159 đã xử lý phế thải trong chăn nuôi; tự sản xuất đệm lót sinh học từ vỏ cây, mùn cưa, lá khô... nghiền nát; đưa các chủng vi sinh hữu ích vào sản xuất đệm lót sinh học. Hằng năm, Công ty sử dụng được 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Và cũng từ nguồn chất thải chăn nuôi này, Công ty đã sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/năm, cung cấp ra thị trường phục vụ trồng trọt. Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho rằng: "Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác".
Khu chăn nuôi của Công ty Cổ phần T&T 159 tại tỉnh Hòa Bình.
Vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi ở nước ta đã được thể hiện qua nhiều mô hình như: Vườn-ao-chuồng (VAC); vườn-ao-chuồng-ruộng (VACR); lúa-cá-vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh... Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi ở nước ta hiện đã lớn hơn trước nên cần phương cách tiếp cận mới, phù hợp với xu hướng của thế giới và khu vực. Vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực, nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...).
Tiến sĩ Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi cho biết: Giá trị toàn ngành chăn nuôi ở nước ta năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD. Số đàn lợn hiện đạt hơn 28,8 triệu con; trâu, bò đạt hơn 8,9 triệu con; gia cầm đạt 533 triệu con. Mỗi năm, ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra khoảng 385,7 triệu tấn chất thải (trong đó, chất thải rắn 62,2 triệu tấn, chất thải lỏng 323,5 triệu tấn). Tuy nhiên, chăn nuôi hiện nay đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các phương pháp hiện đại, phần lớn chỉ chú trọng vào lợi nhuận chứ chưa hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Để đẩy mạnh, khuyến khích sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, đại diện Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đề xuất, thời gian tới, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất là công nghệ vi sinh, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi. Vì thế, ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế. Thứ hai là công nghệ ứng dụng nuôi côn trùng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, một tấn trùn quế (giun quế, giun đỏ) có thể xử lý được 30 tấn phân trong vòng một tháng. Trùn quế làm thức ăn chăn nuôi nhưng chất thải từ trùn quế còn được sử dụng làm phân bón rất tốt cho cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao. Hoặc có thể nuôi ruồi lính đen-một loài côn trùng hiện đang được sử dụng trong chăn nuôi. Mỗi ki-lô-gam ấu trùng ruồi lính đen có thể xử lý được 10kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân của ruồi lính đen lại tốt cho trồng trọt.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc xử lý các phế, phụ phẩm khác như xương, sừng của động vật sau giết mổ, hay vấn đề ô nhiễm không khí... cũng cần được quan tâm hơn nữa trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi chứ chưa tập trung đến việc xử lý tất cả phế, phụ phẩm trong ngành chăn nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc cũng lưu ý việc sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường rất cần có tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá về lĩnh vực chăn nuôi, sớm công bố rộng rãi, kịp thời các tiến bộ kỹ thuật phục vụ chăn nuôi, đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp. Bộ NNPTNT cần đối thoại với doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để nắm bắt thông tin và điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn với thực tiễn. Cơ quan, doanh nghiệp cũng cần phối hợp hiệu quả với hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo: Quân đội nhân dân