Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:16 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn mang lại kinh tế bền vững

02/06/2023

Nước ta đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, trong đó chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như những phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng, tái sử dụng dẫn đến lãng phí rất lớn. Điều này đặt ra vấn đề phải tìm giải pháp để phát triển mô hỉnh sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương đã phát triển và mở rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Đến nay, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn được thực hiện, điển hình như: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp tiêu thụ sản phẩm, mô hình trông lúa - trồng nấm ăn – sản xuất phân hữu cơ; mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò; mô hình kinh tế tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô/cây ăn quả - gia súc, gia cầm - cá; mô hình lúa - cá…
Mô hình xử lý giá thể trồng nấm để ủ làm phân hữu cơ tại Công ty Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh. Ảnh: H. Lương
Chia sẻ về mô hình kinh tế tổng hợp nuôi bò - trùn quế - trồng cỏ và cây ăn quả - nuôi vịt - thả cá, ông Trịnh Bá Biện ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ năm 2019, gia đình ông quyết định quy hoạch cải tạo nâng cấp khu chăn nuôi theo hướng tuần hoàn khép kín. Một phần diện tích được chuyển đổi ao nuôi thả cá, diện tích xung quanh bờ trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò sinh sản và bò 3B với hơn 30 con, một khu riêng để ủ phân bò nuôi trùn quế. Với 150m2 nuôi trùn quế, cứ 45 ngày gia đình ông thu 4-5 tạ giun làm thức ăn cho vịt, gà, cá và nấu cháo cho bò. Phân trùn quế được dùng làm phân bón cho cỏ voi và cây ăn quả. Với cách làm như vậy, khu chăn nuôi của ông luôn thoáng sạch, không có mùi hôi, bò lớn nhanh, đàn bò mẹ con sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Nguyễn Xuân Bằng – Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp CNC Hồ Gươm cho biết: “Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là một cứu cánh nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất”. Mô hình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao được áp dụng tại công ty là mô hình sản xuất nấm – cây tía tô. Nấm được sản xuất tại công ty là nấm đùi gà và nấm kim châm. Phế phụ phẩm trồng nấm sau thu hoạch tạo được thu gom và xử lý bằng công nghệ vi sinh thành phân bón hữu cơ để bón cho diện tích trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản. Phế phụ phẩm của mô hình sản xuất lá tía tô xuất khẩu sau mỗi lần thu hoạch, sơ chế đều được thu gom vào bể chứa, sau đó sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ, làm phân bón. Với quy trình này, đã tạo ra nguồn phân bón hữu cơ không những tốt cho cây trồng mà còn giúp công ty giảm chi phí sản xuất cây tía tô.
Mặc dù đem lại những lợi ích không nhỏ, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả đạt được chưa cao, các mô hình tái chế và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển.
Công nhân Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh thu hoạch lá tía tô xanh. ẢNh Thanh Tâm
Theo đánh giá của đại diện Cục Chăn nuôi, nguyên nhân của tình trạng trên là do chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ vẫn chiếm đa số, nhận thức, trình độ và tiềm lực đầu tư của hộ chăn nuôi hạn chế trong khi đó để ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường về chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi lại đòi hỏi cần tỷ suất đầu tư cao. Ngành công nghiệp phụ trợ (như sản xuất trang thiết bị, vật liệu, công nghệ vi sinh) hỗ trợ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong nước còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều và chủ yếu còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Thể chế pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chưa đầy đủ; thiếu chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn; thiếu sự liên kết giữa các chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp…
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thiếu khung pháp lý cho kinh tế tuần hoàn nói chung hay nông nghiệp tuần hoàn nói riêng, đất đai hạn hẹp và manh mún, nhận thức về phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; nông hộ và doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ các ngân hàng… là những rào cản lớn cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn...
Trong thời gian gần đây, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm thiểu phát thải nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Hệ thống văn bản, chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp bền vững và đề án kinh tế tuần hoàn đã được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Trong đó thể hiện rõ kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo bền vững.
Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nguồn: TN&MT