Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:59 GMT+7

Sản xuất bền vững

Giải pháp giúp ngành sản xuất vật liệu xây dựng giảm phát thải khí nhà kính

04/07/2023

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp hiệu quả để giúp ngành sản xuất vật liệu xây dựng hạn chế tối đa giảm phát thải chính là việc sử dụng vật liệu xanh. Các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xanh có thể tiết giảm lên đến 50% khí thải nhà kính. 
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong quá trình phát thải khí nhà kính, chuỗi phát thải khi sử dụng điện năng, vận chuyển, sản xuất vật liệu xây dựng,… đã gây ra sự ô nhiễm không khí và môi trường nghiêm trọng. Trong đó, phát thải khí nhà kính (KNK) xuất phát từ 2 nguồn chính là từ quá trình sản xuất xi măng, thép và từ nguyên liệu hoá thạch. 
Sản xuất xi măng là một trong những ngành sinh khí thải nhà kính nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Theo hệ thống kiểm kê Quốc gia, dự báo đến năm 2030, phát thải của ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ rơi vào khoảng 125 triệu tấn CO2 tương đương và đến 148 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Trong đó, sản xuất xi măng chiếm tỷ trọng 70%, lớn nhất trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Hệ số phát thải cho thấy ngành công nghiệp xây dựng có mức phát thải KNK rất cao. 
Hiện có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính. Theo quy định của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, danh sách các đơn vị này sẽ được cập nhật 2 năm một lần. Các đơn vị cần thực hiện kiểm kê theo năng lực của mình đến năm 2026, bắt đầu xây dựng và triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng quota trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.
Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Vì vậy, việc giảm nhu cầu sử dụng điện cũng sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Phát triển vật liệu xanh
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa giảm phát thải chính là việc sử dụng vật liệu xanh. Theo đó, các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xanh có thể tiết giảm lên đến 50% khí thải nhà kính. 
Ví dụ, theo Hội đồng Công trình xanh thế giới, các tòa nhà xanh đạt chứng nhận Green Star ở Australia giảm 62% khí thải nhà kính và giảm 51% lượng nước tiêu thụ; Hay như các công trình xanh được chứng nhận bởi Hội đồng Công trình xanh Ấn Độ (IGBC) tiết kiệm năng lượng từ 40 - 50% và tiết kiệm nước từ 20 - 30% so với các công trình thông thường.
Vật liệu xây dựng xanh là các loại vật liệu được sản xuất và sử dụng mà không gây ra tác hại đến môi trường, có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy. Vì thế, trong suốt vòng đời từ khi sản xuất cho đến khi hết hạn sử dụng, các vật liệu xây dựng xanh không tạo ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường sống.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng xanh.
Sử dụng vật liệu xây dựng xanh góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra trên toàn cầu. Vì thế, loại vật liệu này đang dần trở thành xu hướng và được dự báo có thể sẽ thay thế hẳn các vật liệu khác trong tương lai.  Do đó, loại vật liệu này đang dần trở thành xu hướng và được dự báo có thể sẽ thay thế hẳn các vật liệu khác trong tương lai, hiện vật liệu xanh cũng đang được khuyến khích sử dụng trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam. 
Tuy nhiên, vật liệu xanh cũng vấp phải không ít rào cản do có chi phí sản xuất, chi phí lắp đặt khá cao, và tồn tại một số hạn chế về năng lực thi công, ngân sách đầu tư của nhà thầu, chủ đầu tư khiến cho việc sử dụng vật liệu xanh còn gặp nhiều rào cản và không được phát triển đúng mức. Nhưng nếu xét về lâu dài, loại vật liệu này lại tiết kiệm chi phí hơn các vật liệu truyền thống.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh; có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị..., nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Đồng thời, các chủ thầu xây dựng, các nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các loại vật liệu xây dựng xanh an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường dưới đây để chung tay giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng:
Xi măng xanh: Xi măng xanh sử dụng tro bay (sản phẩm dư thừa từ sản xuất công nghiệp) để thay thế cho xi măng thông thường. Loại vật liệu này có độ chống ma sát khá cao, chịu nhiệt tốt. Loại vật liệu xây dựng xanh này được Trung tâm Công nghệ Trenchless của trường Đại học Công nghệ Louisiana Mỹ nghiên cứu và phát triển.
Tấm lợp sinh thái: Tấm lợp sinh thái được sản xuất từ các sợi hữu cơ và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp. Nhờ vậy mà nó khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn, rất phù hợp với các công trình ven biển. Ngoài ra, tấm lợp còn có khả năng chống nóng, cách âm tốt và giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao.
Gỗ ốp tường xanh: Gỗ ốp tường xanh là một loại vật liệu xây dựng xanh không sử dụng gỗ rừng tự nhiên mà dùng gỗ rừng trồng, có thể tái chế 100%. Nguyên liệu của gỗ ốp tường xanh là gỗ Weathertex của Úc, ép từ vụn gỗ của các nhánh cây, cành cây tận thu bằng áp suất hơi nước. Thành phần gồm 97% là vụn gỗ và chỉ có 3% là chất kết dính không hóa chất, không độc hại.
Gỗ Weathertex từ Úc
Các loại gỗ ốp tường xanh thường được sản xuất để làm vách công trình, có thể dùng cả trong nhà và ngoài trời, không bị cong vênh do có khả năng chịu được điều kiện thời tiết ở ngoài trời, chống cháy, không bị mối mọt, bền đẹp với thời gian. Vật liệu xây dựng này được sản xuất theo kích thước tiêu chuẩn nên dễ thi công, có trọng lượng nhẹ, dễ dàng sử dụng để nâng tầng.
Đá chẻ: Với đặc tính chịu được nhiệt độ cao, khả năng chịu lực cao, nhiều màu sắc, vân đá tự nhiên, đá chẻ mang đến cho công trình độ bền vĩnh cửu và vẻ đẹp sang trọng tinh tế. Bên cạnh đó, đá chẻ được sản xuất bằng công nghệ không nung nên ít gây tác động tới môi trường.
Bê tông nhẹ: Dù có giá thành cao hơn gạch thông thường nhưng bù lại, bê tông nhẹ sẽ giúp bạn giảm chi phí làm nền móng, vữa trát và còn là vật liệu xanh được khuyến khích sử dụng vì quá trình sản xuất ít phát thải ra môi trường.
Xốp cách nhiệt XPS: Xốp cách nhiệt XPS là vật liệu xây dựng xanh được làm từ chất dẻo PS. Ưu điểm lớn của loại vật liệu này là khả năng cách nhiệt và chống lại lực nén, không bị thấm nước, sử dụng bền lâu. Trọng lượng của xốp cách nhiệt khá nhẹ nên rất dễ dàng mang vác. Đặc biệt, xốp cách nhiệt XPS không bốc hơi ra bất kỳ chất độc hại nào, có thể tái sử dụng nhiều lần.
Xốp cách nhiệt XPS là một trong những loại vật liệu xây dựng xanh phổ biến
Sơn sinh thái: Sơn sinh thái là một trong những loại vật liệu xanh mà bạn không nên bỏ lỡ bởi nó đã được loại bỏ tạp chất độc hại, không có chì, thủy ngân cũng như chất hữu cơ độc hại VOC. Đặc biệt, nó có thể hấp thụ được mùi hôi, CO2, chống cháy và ăn mòn, chống lại các tầng sóng có hại như sóng điện tử, bảo vệ sức khỏe cho con người.
Kiện rơm: Kiện rơm là vật liệu xanh được sử dụng nhiều ở các nông trại bởi tính sẵn có cũng như khả năng cách âm, cách nhiệt cao. Đồng thời, kiện rơm cũng có khả năng chống cháy bởi khi sản xuất, rơm được ép chặt nên không khí không thể lọt qua nên bạn không cần lo lắng về vấn đề cháy nổ.
Tre: Vật liệu xanh trong xây dựng tiếp theo mà HRC Việt Nam muốn giới thiệu đó là tre. Đây là vật liệu truyền thống ở nước ta. Từ 3 - 5 năm sau khi trồng thì tre có thể sử dụng để làm vật liệu trong các công trình xây dựng. Ngoài ra, tre rất thân thiện với môi trường, có khả năng hấp thụ CO2 cao hơn các loại gỗ thông thường và khá bền. Các công trình xây dựng bằng tre cũng khá đẹp mắt, mang nét hoài cổ, mộc mạc nhưng không kém phần nghệ thuật, độc đáo.
Ngôi nhà sử dụng vật liệu tre
Gạch không nung: Gạch không nung (hay còn gọi là gạch bê tông bùn, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông nhẹ) là một trong những loại vật liệu xây dựng xanh thân thiện với môi trường thay thế cho gạch nung không thân thiện với môi trường. Gạch không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy, thoát ẩm tốt. Ngoài ra, vì không cần nung nên không gây tác hại đến môi trường xung quanh, dẫn đến biến đổi khí hậu. 
Gạch bê tông khí chưng áp có trọng lượng nhẹ hơn từ 30% - 50% so với gạch đất nung và chỉ chiếm 25% khối lượng của gạch bê tông thông thường. Công trình sử dụng sản phẩm này có thể tiết kiệm được đến 40% điện năng từ việc vận hành máy điều hòa không khí. Đây là loại gạch được kỳ vọng sẽ ứng dụng thay thế hoàn toàn gạch nung vì có thể sử dụng lâu dài, độ kiên cố cao.
Minh Khuê