Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:57 GMT+7

Điển hình

Nhà máy lọc dầu Dung Quất định hướng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 đến năm 2050

27/02/2023

Để thích ứng trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và góp phần giảm thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã đề ra lộ trình giảm phát thải CO2 tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất) giai đoạn 2023 – 2050.
Xu hướng chuyển dịch năng lượng
Trong cuộc họp của Tiểu ban Hoá – Chế biến Dầu khí vừa qua, đại diện BSR, ông Lê Hải Tuấn – Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR đã trình bày tham luận về định hướng lộ trình giảm phát thải carbon tại NMLD Dung Quất. Theo tham luận của BSR, xu hướng chuyển dịch năng lượng hiện đang định hình hành vi của người tiêu dùng và thay đổi các quy định, tác động đáng kể đến chuỗi giá trị của ngành Dầu khí. Sự chuyển dịch năng lượng (CDNL) hướng đến sự chuyển đổi ngành năng lượng toàn cầu từ sử dụng hoá thạch sang không có carbon vào nửa sau thế kỷ 21. Theo đó, các xu hướng hỗ trợ quá trình CDNL như điện hoá năng lượng, sử dụng xe điện, tăng trưởng gắn liền với năng lượng tái tạo, thắt chặt quy định về khói thải và hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ông Lê Hải Tuấn – Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR trình bày tham luận.
Nhà nước cũng đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tổng giảm nhẹ phát thải KNK là 563,8 triệu tấn CO2. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ giảm 268,5 triệu tấn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giảm 37,5 triệu tấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triểng Nông thôn giảm 129,8 triệu tấn, Bộ Xây Dựng là 7,4,3 triệu tấn và Bộ Tài nguyên Môi trường là 53,7 triệu tấn CO2. Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết xây dựng kế hoạch hành động để đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Theo Ban Chiến lược Petrovietnam, quá trình phát thải ròng bằng 0 sẽ dựa vào các trụ cột chính như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo, điện khí hoá, nhiên liệu sinh học, hydrogen và nhiên liệu gốc hydrogen, thu hồi và lưu trữ CO2 (CCUS) và thay đổi hành vi (chuyển sang đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng…).
Theo đó, BSR (đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất) có khả năng tham gia trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng tái tạo (NLTT), giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đẩy mạnh áp dụng kinh tế số, tuyên truyền – nâng cao nhận thức, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp cho cam kết COP26 và bảo tồn, phát triển rừng…
Định hướng lộ trình giảm phát thải carbon của BSR
Thống kê trong 5 năm, tình hình phát thải CO2 của NMLD Dung Quất trung bình nằm ở mức hơn 1,6 triệu tấn CO2. Trong đó, 2 phân xưởng có mức phát thải cao nhất là RFCC (trung bình nằm ở mức 910,421 tấn CO2) và Boilers (trung bình nằm ở mức 423,729 tấn CO2). Theo báo cáo của NMLD Dung Quất ước tính, sau khi nâng cấp mở rộng (NCMR), lượng phát thải CO2 của nhà máy sẽ tăng lên 1,8 triệu tấn CO2.
Phân xưởng RFCC tại NMLD Dung Quất.
Để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải hơn 563 triệu tấn CO2 của Việt Nam vào năm 2030 và mục tiêu Net zero vào năm 2050, BSR định hướng lộ trình giảm phát thải theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn năm 2023 – 2025, BSR sẽ kiểm kê KNK và xây dựng, thẩm định kế hoạch giảm nhẹ KNK đến năm 2030 cho NMLD Dung Quất, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của BSR, đề xuất phương án trồng rừng và đăng ký chương trình theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Giai đoạn 2023 – 2030, BSR triển khai các giải pháp cải tiến công nghệ, trồng rừng, phát triển NLTT giai đoạn I để giảm nhẹ phát thải KNK đến 2030. Thực hiện giao dịch tín chỉ carbon từ 2028, xác định hạn ngạch phát thải và kế hoạch thực hiện của BSR đến 2050. Giai đoạn từ 2030 – 2050, triển khai các giải pháp cải tiến công nghệ, trồng rừng, phát triển NLTT giai đoạn II để giảm nhẹ phát thải KNK đến 2050 và thực hiện giao tín chỉ carbon.
Hiện các giải pháp đang được BSR nghiên cứu, xem xét nhằm giảm phát thải CO2 bao gồm, tối ưu vận hành (giảm từ 2-5%); nâng cấp/ cải tiến thiết bị, công nghệ (giảm từ 15-20%); thu hồi CO2 (giảm từ 30%) và trồng rừng, sử dụng NLTT (giảm 50%). Theo báo cáo của NMLD Dung Quất, các nhóm giải pháp giảm thải CO2 sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải CO2 tại các phân xưởng, nhà máy và 50% còn lại sẽ bổ sung bằng NLTT, trồng rừng và GH2. Lộ trình giảm thải CO2 của BSR đang được tiến hành nghiên cứu, xem xét và tiếp tục làm việc với các nhà tư vấn quốc tế, nhà bản quyền công nghệ để đánh giá tính khả thi của các giải pháp và hoàn thiện lộ trình.
BSR cũng gặp các khó khăn trong lộ trình giảm phát thải CO2 tại NMLD Dung Quất. Giải pháp CCUS ước tính giảm được khoảng 30% CO2, tuy nhiên CCUS cần có chi phí đầu tư lớn và cần các công nghệ hiện đại. Về việc này, BSR kiến nghị Nhà nước và Petrovietnam nghiên cứu phát triển công nghệ CCUS để áp dụng cho tương lai. Ngoài ra, giải pháp trồng rừng cũng cần có diện tích rừng lớn, đơn cử như rừng Quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.400ha, có khả năng hấp thụ CO2 khoảng 1 triệu tấn/ năm. Vì vậy, đơn vị cần tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận hỗ trợ BSR triển khai các dự án trồng rừng để đẩy mạnh giải pháp đạt được hiệu quả cao.
Định hướng chiến lược của NMLD Dung Quất trong thời gian tới sẽ phát triển theo hướng tối ưu hoá vận hành, chuyển đổi số và đaiu tư vào các dự án nhỏ hiệu quả trong giai đoạn năm 2022 – 2025. Giai đoạn 2025 – 2030, NMLD Dung Quất sẽ tiến hành NCMR nhà máy, tăng sản xuất và sử dụng nguồn NLTT, trồng rừng và nhập, sử dụng điện từ lưới điện Quốc gia. Từ năm 2030 – 2045 sẽ tiến hành phát triển chuỗi sản phẩm hoá dầu, giảm sâu lượng phát thải CO2 bằng CCUS, trồng rừng và sản xuất, sử dụng, kinh doanh NLTT, GH2
Theo: Petrotimes