Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 21:21 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đánh giá phát thải tại làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc và giải pháp

28/09/2022

Hoạt động tái chế nhựa tại làng Triều Khúc (Hà Nội) đem lại lợi ích về kinh tế-xã hội cho các hộ dân nơi đây. Tuy nhiên cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện khoa học và kỹ thuật môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã thực hiện kiểm kê sự phát thải của các hoạt động thu gom, tái chế chính tại làng nghề này, từ đó đề xuất một số giải pháp. 

Nghề tái chế nhựa mới hình thành và phát triển tại làng Triều Khúc (Hà Nội) trong vài thập kỷ gần đây nhưng đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng nơi đây. Hoạt động thu gom, tái chế nhựa phế liệu đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp tại làng và hàng ngàn lao động gián tiếp khác. Đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. 

Tuy nhiên, thu gom, tái chế phế liệu là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường cũng như tạo ra nhiều phát thải. Điều này càng bộc lộ rõ khi đa phần mô hình sản xuất tại làng Triều Khúc ở quy mô gia đình, nhỏ lẻ với công nghệ thô sơ. 

Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu gồm nhiều đại diện đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng Tổng cục Khí tượng thủy văn đã phối hợp để thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá phát thải tại làng nghề Triều Khúc. Trên cơ sở đó, nhóm đề xuất một số giải pháp hạn chế phát thải phù hợp với điều kiện làng nghề.

 

Hoạt động tái chế nhựa và dệt nhuộm tại làng Triều Khúc (Hà Nội) đem lại lợi ích về kinh tế-xã hội cho các hộ dân nơi đây tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường.

Vấn đề môi trường tiềm ẩn

Qua khảo sát thực tế cho thấy đặc điểm sản xuất của hệ thống thu gom, tái chế tại làng Triều Khúc chủ yếu ở quy mô gia đình, tập trung theo nhóm và mang tính truyền thống lâu đời. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất mang tính thủ công, nguyên vật liệu đầu vào hầu hết là phế liệu không được làm sạch, trong khi đa số cơ sở sản xuất chưa có biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và bảo hộ lao động cần thiết. Từ đây phát sinh vấn đề môi trường như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, khó kiểm soát phát thải, rác thải tại làng nghề. 

Qua khảo sát và phỏng vấn đã cho thấy quy mô và một số đặc điểm chính của hoạt động thu gom, tái chế của làng nghề Triều Khúc. Cụ thể, lượng nhựa trung bình được thu gom và tái chế ở Triều Khúc là 174 tấn/ngày. Các loại nhựa phế liệu được thu gom và tái chế hầu hết đều là các loại nhựa thông dụng, được sử dụng khá phổ biến hiện nay như HDPE, PET, LDPE, PP, PVC, PS...Trong đó lượng nhựa HDPE được thu gom là 52,34 tấn chiếm 30,08%, tiếp đến nhựa PP là 45,31 tấn chiếm 26,04%, nhựa PET là 24,41 tấn chiếm 14,03%, nhựa LDPE là 14,51 tấn chiếm 8,34%, nhựa PVC là 10,65 tấn chiếm 6,12%. Các loại nhựa khác như PS, PA, ABS… chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Tỷ lệ các loại nhựa phế liệu được thu gom, tái chế

Số lượng các hộ gia đình tham gia các hoạt động thu gom và tái chế nhựa ở Triều Khúc là 222 hộ. Hoạt động thu gom và tái chế nhựa tại làng nghề này có 4 loại hình chủ yếu. Theo đó, thu gom sơ cấp gồm các hoạt động thu mua nhựa từ các hộ gia đình, người thu phế liệu nhỏ lẻ và bán lại nhựa phế liệu cho các cơ sở kinh doanh khác mà không phát sinh các hoạt động khác như phân loại nhựa, loại bỏ các nhãn mác dán trên nhựa. Loại hình này chiếm nhiều nhất, với 39,2% trong tổng số hoạt động thu gom, tái chế nhựa tại làng. Thu gom thứ cấp, chiếm 38,3%, bao gồm các hoạt động mua phế liệu tại các hộ thu gom sơ cấp trên địa bàn làng nghề và các khu vực khác trong địa bàn thành phố. Sau đó phân loại nhựa phế liệu và bán lại nhựa sau phân loại cho các cơ sở kinh doanh khác. Tái chế sơ cấp, chiếm 20,3%, là các hoạt động thu mua phế liệu từ các hộ thu gom thứ cấp trong làng nghề và từ nơi khác, sau đó sơ chế tạo ra hạt nhựa. Các sản phẩm này sẽ được bán lại cho các cơ sở khác chịu trách nhiệm gia công và tạo hình thành các sản phẩm khác như: túi ni lông, ghế… Cuối cùng hoạt động tái chế thứ cấp, chiếm ít nhất chỉ khoảng 2,2%, là các hoạt động sản xuất sản phẩm từ nhựa tái chế như túi nilon, ghế, bàn nhựa, ly, cốc..

Quy trình tái chế sơ cấp và tái chế thứ cấp

Kết quả phát thải CTR và KNK

Nhóm nghiên cứu đã dựa trên phương pháp luận giảm thiểu chất thải của UNEP/UNIDO để đánh giá mức phát thải của chất thải rắn (CTR), nước thải và khí nhà kính (KNK) từ các hoạt động thu gom và tái chế chính của làng nghề dựa trên bốn loại hình sản xuất chính như trên. Qua đó cho thấy lượng phát sinh CTR và KNK khác nhau rõ rệt giữa các loại hình. Cụ thể, với thu gom sơ cấp và thứ cấp, lượng CTR phát sinh chỉ khoảng 0,018-0,030 tấn/tấn nhựa thành phẩm, ít hơn đáng kể so với loại hình tái chế, từ 0,172-0,104 tấn/tấn nhựa thành phẩm.

Lượng phát thải CTR trên mỗi tấn nhựa thành phẩm.

Với nước thải, qua đo đạc cho thấy lượng nước thải tái chế sơ cấp là 39,1 m3/tấn sản phẩm, chủ yếu từ khâu rửa nhựa (94,6 %), và nghiền nhựa (5,4%). Nước thải phát sinh từ tái chế thứ cấp khoảng 3,7 m3/tấn sản phẩm, chủ yếu là nước làm mát động cơ. Các loại nước thải này có nhiệt độ cao, gồm một số thành phần độc hại như hóa chất tẩy rửa và tạp chất bám trên nhựa, xả thải trực tiếp ra môi trường. 

Hoạt động tái chế nhựa không phát sinh trực tiếp phát thải KNK, mà chủ yếu là phát thải gián tiếp từ sử dụng điện. Nhóm nghiên cứu áp dụng công thức Bilan Cacbon kết hợp với số liệu định mức nguyên nhiên liệu để tính toán lượng CO2 phát thải gián tiếp từ các hoạt động tái chế. Kết quả, thu gom sơ cấp và thứ cấp không tạo phát thải KNK do thu gom thủ công. Tái chế sơ cấp phát sinh 137kg CO2/tấn hạt nhựa phế liệu và hoạt động tái chế thứ cấp phát sinh 387,67 kg CO2/tấn sản phẩm nhựa.

Ngoài ra, nhóm đề tài cũng đánh giá các hoạt động tái chế nhựa phát sinh khí ô nhiễm do thiếu các hệ thống xử lý khí thải, hệ thống máy nghiền và tạo hạt nhựa tại làng nghề đều đã cũ và không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên, tạo ra tiếng ồn và mùi nhựa khi chế biến. Sự phát thải này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí cho khu vực làng nghề Triều Khúc.

Đề xuất giải pháp

Các kết quả trên là tiền đề quan trọng để nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp sản xuất sạch hơn phù hợp với điều kiện làng nghề. Hai giải pháp được đề xuất là giảm tổn thất nguyên vật liệu, giảm phát sinh nước thải, đồng thời tiết kiệm năng lượng và hạn chế sinh khí thải. 

Để giảm tổn thất nguyên vật liệu, các giải pháp được đề xuất bao gồm: phân loại phế liệu và xử lý nhựa ít ngâm tẩm trước khi vào dây chuyền sản xuất; vệ sinh nhà xưởng, thu hồi lại các mảnh nhựa rơi vãi trong quá trình sản xuất; thiết kế kích thước nắp máy nghiền phù hợp để không cho các hạt nhựa bắn ra môi trường; sử dụng túi vải lọc có kích thước mắt lưới nhỏ tại hệ thống thoát nước của các bể rửa nhựa... Một hướng nữa là có thể tái chế riêng từng loại nhựa để chất lượng hạt nhựa đồng đều, đồng thời dễ kiểm soát ô nhiễm.

Nhằm giảm phát sinh nước thải, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một mô hình tuần hoàn nước và kết hợp thu hồi nhựa. Mô hình gồm ba bể rửa chính nối trực tiếp với bể xay và rửa nhựa. Nhóm đề xuất xây dựng các bể xử lý nước thải phân tán theo cụm/hộ gia đình do đặc tính hoạt động của làng nghề rộng và phân tán hơn so với quy mô nhà máy. 

Sơ đồ tuần hoàn nước và thu hồi nhựa.

Ngoài ra, nhóm đề xuất cải tiến năng suất máy xay nhựa với động cơ lớn hơn và bổ sung lưỡi dao cắt nhằm giảm phát sinh nước thải và tiết kiệm nước trong tái chế. 

Để tiết kiệm năng lượng và hạn chế phát sinh khí thải độc hại, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp đơn, dễ áp dụng và đạt hiệu quả tức thì. Trong đó gồm: tăng cường bảo ôn, cách nhiệt với lò nấu; lắp đặt bộ điều chỉnh nhiệt để hạn chế quá nhiệt, tối ưu nhiệt độ cho từng loại nhựa phế liệu khác nhau và tăng độ bền máy. Nghiên cứu cũng chỉ ra nếu áp dụng tốt các giải pháp giảm tổn thất nguyên vật liệu có khả năng tiết kiệm thêm 7-10% lượng điện sử dụng. 

Qua đây, nhóm nghiên cứu kết luận với từng loại hình thu gom, tái chế sẽ phát sinh những lượng CTR và KNK khác nhau. Đặc biệt là tái chế sơ cấp và thứ cấp do sự tham gia của các hoạt động nấu, chế biến để tạo ra CTR và KNK. Bên cạnh đó do công cụ và phương pháp thô sơ, các chất khí, mùi không tốt cho cộng đồng cũng phát sinh trong các quá trình này. Một số giải pháp được đưa ra để hạn chế ảnh hưởng không tốt của các hoạt động thu gom, tái chế, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí vì tận dụng tốt nguyên vật liệu, giảm chất thải ra môi trường.

Giang Nguyễn