Mô hình trang trại tuần hoàn đem lại hiệu quả bền vững
05/07/2022
Tọa lạc tại Hòa Bình có một trang trại trồng bưởi kết hợp nuôi bò mang tên Hop Farm. Theo các chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP, đây là mô hình thực hành tốt các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Dựa trên định nghĩa của Quỹ Ellen MacArthur thì kinh tế tuần hoàn bao gồm hai chu trình chính. Chu trình thứ nhất là chu trình sinh học, tại đây, các chất dư thừa sẽ quay trở lại tự nhiên sau khi sử dụng, và sẽ được tái sử dụng làm chất dinh dưỡng trong chu trình mới. Chu trình thứ hai là chu trình kỹ thuật. Trong chu trình này, các sản phẩm, cấu kiện hay vật liệu được thiết kế và lưu thông trên thị trường với mục đích giảm tối đa sự hao hụt, lãng phí. Các vật liệu kỹ thuật có thể phục hồi trong chu trình kỹ thuật thông qua các vòng lặp lại khác nhau, gồm bảo trì và sửa chữa, tái sử dụng và phân phối lại, tân trang và chế tạo lại, và cuối cùng là tái chế.
Mục đích của các chu trình nhằm tăng tối đa khả năng sử dụng các sản phẩm, vật liệu nguyên sinh và các sản phẩm được thiết kế sao cho dễ bảo dưỡng, tái sử dụng hoặc tân trang trong phạm vi vòng đời có ích của chúng. Hết vòng đời này, chúng sẽ được tháo rời, tái chế để dùng cho sản phẩm mới với mục tiêu giảm thiểu tối đa sự hao hụt, lãng phí trong toàn bộ chu trình khai thác - sản xuất - sử dụng.
Trang trại Hop Farm tại thôn Dẻ Cau, xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Tại thôn Dẻ Cau, xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình có một mô hình trang trại đang thực hành nông nghiệp theo đúng nguyên tắc trên. Đó là trang trại trồng bưởi kết hợp nuôi bò mang tên Hop Farm.
Ở đây, người nông dân nuôi trồng theo các chu trình nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, cỏ trồng để nuôi bò. Sau đó các loại phụ phẩm nông nghiệp như cỏ dại, cỏ thừa và phân bò sẽ được gom lại đem ủ làm phân bón hữu cơ cho bưởi. Một phần cỏ, cây dại trên đồi bưởi sẽ được dùng để phủ bề mặt cho phân huỷ tự nhiên, làm nguồn phân bổ sung cho cỏ, cây dại và cây bưởi. Đó là khâu xử lý chu trình sinh học tự nhiên.
Với chu trình kỹ thuật, doanh nghiệp triển khai tận dụng các loại phế thải từ bưởi, như vỏ bưởi, bã vỏ bưởi… làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu bưởi. Bã vỏ sau chưng cất sẽ được dùng để lên men, sản xuất nước tẩy rửa hữu cơ, và làm phân bón cho cây bưởi.
Như vậy, với nguyên tắc kết hợp hai chu trình sinh học và chu trình kỹ thuật của kinh tế tuần hoàn, quá trình nuôi trồng - sản xuất của trang trại tạo ra lượng rác thải gần như bằng “0”.
Việc ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất đã tạo ra những hiệu quả kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Sau năm năm thành lập, trang trại đã tăng quy mô diện tích lên 8ha. Số gốc bưởi trồng tăng trên 2.500 gốc. Số bò sinh sản đạt 10 con bò mẹ. Trang trại cũng kết hợp nuôi thêm lợn sạch. Hiện số lợn thương phẩm trong đàn đã đạt 30 con.
Băm cỏ làm phân ủ.
Tính tới năm 2022, Hop Farm đã phủ kín diện tích theo quy hoạch và dự kiến sẽ thu hoạch vụ thứ hai của cây bưởi trong năm nay. Dự kiến từ 3 – 6 tháng tới, doanh nghiệp sẽ đạt được những mục tiêu về tiến độ thực hiện, như cải tạo khu chuồng trại chăn nuôi, mở rộng kho chứa, mái che, cải tạo chuồng lợn theo công nghệ chuồng sàn tiết kiệm nước; cải tạo đệm lót sinh học, thay thế đệm lót hiện nay gồm trấu và mùn cưa bằng cỏ và cây dại trên đồi bưởi; phân loại và quản lý rác thải nhựa, rác thải rắn, rác thải hữu cơ trong trang trại.
Trong kế hoạch ngắn hạn, doanh nghiệp dự kiến tái đầu tư để thuê thêm nhân công thu hoạch cỏ, cây dại và làm chế phẩm sinh học. Hop farm hướng tới mục tiêu hoàn thiện vòng tuần hoàn liên quan đến con bò, gồm trồng cỏ - nuôi bò - ủ phân - bón cho cây bưởi; tương tự với vòng tuần hoàn liên quan đến nuôi lợn. Đồng thời định hướng trở thành trang trại không rác thải đầu tiên trong vùng.
Về mục tiêu kinh doanh, theo đại diện doanh nghiệp hiện việc trồng bưởi và nuôi bò đã đi vào ổn định. Do đó, trong kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô nuôi bò lên 15-20 con bò mẹ và bê thương phẩm đạt 15-20 con/năm, tăng quy mô đàn lợn lên 150-200 con lợn thịt/năm. Đồng thời, tăng lượng phân bón hữu cơ tự sản xuất lên 100-150 tấn/năm. Với bưởi, mục tiêu năm năm tới là đạt được sản lượng 150-200 tấn. Đồng thời, Hop Farm cũng sẽ mở rộng quảng bá, chia sẻ phương pháp làm kinh tế nông nghiệp theo theo hướng hữu cơ để nhiều người nông dân có ý định chuyển đổi phương thức làm nông cũng như cộng đồng được biết tới.
Như vậy có thể thấy, với Hop Farm, kinh tế tuần hoàn vừa mang lại giá trị lợi ích về kinh tế, vừa giúp đảm bảo các giá trị về môi trường bền vững. Đây cũng là một hướng đi mang tính xu thế của nhiều trang trại, nhà vườn trong những năm trở lại đây nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá phân bón biến động khó lường và thị trường ngày càng khắt khe hơn về các yêu cầu an toàn thực phẩm.
Hải Yến