Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:38 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hà Nội thúc đẩy thói quen đạp xe của người dân

16/06/2022

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thông qua danh sách gần 200 trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 9 quận. Hành động này nhằm thúc đẩy thói quen sử dụng xe đạp kết hợp giao thông công cộng của người dân thủ đô, thông qua đó góp phần xây dựng thói quen di chuyển bằng phương tiện xanh và giảm ô nhiễm không khí.

Thúc đẩy sử dụng xe đạp với các quãng di chuyển ngắn

Theo thông tin công bố, trước tiên thành phố ưu tiên bố trí điểm cho thuê xe đạp công cộng tại 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Tại hai quận còn lại là Hà Đông và Hoàng Mai, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm theo hướng ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại.

Sở GTVT Hà Nội thông báo kế hoạch triển khai dịch vụ thuê xe đạp công cộng với 200 trạm cho thuê và 2.000 xe đạp.

Phương tiện được sử dụng cho dự án gồm xe đạp và xe đạp điện. Chi phí thuê dự kiến cho mỗi người dân là 5.000 đồng/lượt 30 phút đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng/lượt 30 phút với xe đạp điện. Chi phí thuê xe cả ngày dự kiến là 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Đặc biệt, nếu người dân muốn thuê xe đạp lâu dài có thể mua vé theo tháng, quý và năm với chi phí ưu đãi hơn. Ngoài ra, dự án cũng liên kết với các ngân hàng, dịch vụ thanh toán điện tử để thuận tiện cho người dân.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội ông Đào Việt Long cho biết dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa. Mục đích dự án nhằm hỗ trợ các loại hình khác như tàu điện, xe buýt, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. "Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ hiện nay", ông Long chia sẻ.

Theo thông tin công bố, giai đoạn 1 của dự án từ 2022 - 2023 sẽ thực hiện tại 9 quận. Giai đoạn 2 dự kiến mở rộng vùng phục vụ với quy mô 3.000 xe, bố trí 350 trạm thuê xe. Theo kế hoạch, người dân sẽ được trải nghiệm dịch vụ chậm nhất từ quý IV/2022. 

Làm gì để thúc đẩy thay đổi hành vi?

Từ quý IV/2022, người dân thủ đô sẽ có thể sử dụng dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng. 

Thực tế, mô hình thuê xe đạp công cộng không phải mới được triển khai. Từ cuối năm 2021 tại Tp. Hồ Chí Minh đã thí điểm dịch vụ này với 388 chiếc xe, 43 trạm thuê trên địa bàn quận 1. PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức đánh giá các mô hình này sẽ hỗ trợ kết nối các hệ thống giao thông công cộng khối lớn, như xe bus, metro nhằm thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân. "Đây là giải pháp văn minh, giúp giảm ô nhiễm môi trường mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng", ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc sử dụng xe đạp tại nhiều thành phố lớn chưa thực sự thuận tiện cho người dân. Điển hình, chưa có làn đường ưu tiên di chuyển cho xe đạp. Sự cạnh tranh không gian di chuyển giữa phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy so với xe đạp khiến nhiều người dân e ngại việc di chuyển bằng phương tiện này. 

Thêm vào đó, việc bố trí các điểm cho thuê và nơi tập kết xe cần hợp lý, gần với các trạm trung chuyển của phương tiện giao thông khối lớn như xe bus, metro… mới thật sự thuận tiện cho việc chuyển đổi phương tiện. Nếu không, với những quãng di chuyển xa, và khá phổ biến như ở các thành phố lớn, xe đạp khó trở thành phương tiện ưu tiên của người dân. 

Ngoài ra, thói quen di chuyển và đặc điểm khí hậu cũng là những yếu tố cản trở việc chuyển đổi phương tiện xanh của người dân. TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông vận tải nhận xét, “Xe máy tiện dụng, tính tiếp cận rất cao. Xe đạp đi ở đâu thì xe máy cũng có thể có mặt ở đó, thậm chí còn đi nhanh và xa hơn. Ở Việt Nam, một số bộ phận người dân không thích đi xe đạp. Chưa kể, thời tiết Hà Nội vào mùa hè sẽ rất oi nóng, khiến việc đạp xe không dễ dàng với nhiều người.”

Ở nhiều đô thị hiện đại xe đạp đã trở thành nét văn hóa.

Ở nhiều đô thị hiện đại, như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… xe đạp đã trở thành nét văn hóa. Điểm chung của những nơi này là hạ tầng đô thị khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, trong đó có xe đạp. Chẳng hạn, các thành phố đều bố trí làn đường ưu tiên cho xe đạp, nhiều bãi đậu xe miễn phí hoặc thu phí rất ít để khuyến khích người dân sử dụng. Các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển các loại hình giao thông xanh, như cho thuê, mua-bán-sửa chữa xe...  

Khi giá xăng đang tăng lên từng ngày như hiện nay, việc chuyển đổi sang hình thức di chuyển xanh hơn chắc chắn sẽ được nhiều người cân nhắc. Tuy nhiên, để đạp xe trở thành một thói quen phổ biến sẽ cần thêm các biện pháp thúc đẩy thay đổi hành vi, và trên hết là tạo môi trường di chuyển an toàn, thuận lợi. TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định “để phát triển được xe đạp công cộng, trước hết và quan trọng nhất là phải tạo được môi trường an toàn, an ninh từ đó mới thu hút đông đảo người dân, du khách sử dụng xe đạp công cộng. Những làn đường dành riêng, vị trí giao cắt cần được thiết kế để hỗ trợ phương tiện xe đạp lưu thông được hiệu quả, hợp lý.”

Hải Yến