Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 17/09/2024 | 03:42 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Viên nén gỗ - Thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

19/04/2022

Dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam hiện là nhà cung cấp viên nén thứ hai thế giới. Với những thế mạnh đang có và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm này, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm hướng đi phát triển trong thị trường này. 
Thị trường còn nhiều dư địa  
Với hiện trạng các nguồn nhiên liệu như than, xăng, dầu… đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu tìm kiếm các nguyên vật liệu thay thế trở nên cấp bách ở bất cứ quốc gia nào. Trong đó, viên nén gỗ được xem là một vật liệu thay thế có nhiều ưu điểm là nguyên liệu sẵn có, dồi dào và chi phí rẻ. Đặc biệt, với những tiến bộ khoa học trong sản xuất viên nén gỗ nâng cấp nhiệt, khiến nó trở thành một giải pháp thay thế rất khả quan cho nhiên liệu than đá truyền thống trong sản xuất năng lượng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), đa số các quốc gia đã cam kết cắt giảm, thậm chí đưa lượng phát thải khí nhà kính về “0”. Để làm được điều này, phát triển kinh tế năng lượng carbon thấp là hướng đi bắt buộc.
Các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu hiện đang có nhu cầu tăng cao đối với viên nén gỗ trong sản xuất năng lượng sạch. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nơi có số lượng nhà máy điện than nhiều nhất thế giới, được dự báo thị trường phát triển nhanh trong thời gian tới và là cơ hội cho các nhà sản xuất viên nén gỗ Việt Nam. Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu dự kiến ​​đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 7,28% trong giai đoạn 2021-2026.
Lượng viên nén xuất khẩu sang 1 số thị trường chính năm 2019 –2021 (Tấn). Nguồn: VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends tổng hợp từ nguồn số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới.
Trong vòng bảy năm qua, lượng sản xuất, xuất khẩu và giá trị thành phẩm của viên nén gỗ ngày càng tăng lên. Cụ thể, lượng viên nén xuất khẩu tăng trên 18,28 lần, từ 175 nghìn tấn năm 2013 lên khoảng 3,2 triệu tấn năm 2020. Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 15,3 lần, từ gần 23 triệu USD năm 2013, lên 351 triệu USD năm 2020. 
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường xuất khẩu viên nén chính của Việt Nam, chiếm 99,8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021. Nhu cầu đến đặc biệt cao sau các đợt thiên tai như động đất và sóng thần, để phát triển điện sinh học. 
Năm 2021, Hàn Quốc nhập 1,96 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, tương đương 212,04 triệu USD, giảm 0,9% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị so với năm 2020. Nhật Bản nhập 1,53 triệu tấn trong năm 2021, tương đương 200,11 triệu USD, tăng 26,1% về lượng và 27% về giá trị so với năm 2020. 
Riêng tại Nhật Bản, viên nén dự kiến sẽ đáp ứng 38% tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2030. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết lượng viên nén xuất khẩu sang thị trường này có thể mở rộng gấp 3 lần cho tới năm 2024 – 2025 so với hiện nay.
Các thị trường xuất khẩu viên nén chính. Nguồn: VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends tổng hợp từ nguồn số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan.
Phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Viên nén gỗ được xem là giải pháp thay thế hoàn hảo cho các loại nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch không chỉ bởi ưu điểm ít phát thải, khả năng tái tạo mà còn vì chi phí rẻ. 
Nhìn từ góc độ kinh tế, viên nén gỗ có nguồn nguyên liệu rẻ với đầu vào luôn sẵn có, không kén chọn. Trong khi viên nén thành phẩm lại có giá trị xuất khẩu ổn định, thậm chí tăng. Giá viên nén xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản dao động từ 127-139 USD/tấn viên nén. Tại thị trường xuất khẩu chủ lực thứ hai là Hàn Quốc ghi nhận mức tăng đáng kể sáu tháng cuối năm 2021 từ 97-134 USD/tấn. 
Thông thường, để sản xuất viên nén gỗ các cơ sở sản xuất tận dụng tất cả các “phế phẩm” của mình, như mùn cưa, gỗ mẩu, gỗ dăm… thậm chí tận dụng cả những phế phẩm ngành khác như vỏ trấu, rơm, bã mía, thân cây, vỏ hạt…  Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể “nhân đôi” nguồn thu. Trước đó, doanh nghiệp chủ yếu chỉ kiếm lời từ chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ như đồ nội thất, đồ gỗ thô. Có thể nói thị trường viên nén gỗ mở ra đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời xử lý luôn một phần lớn rác thải phát sinh từ quá trình sản xuất.
Một ưu điểm nữa của việc sản xuất viên nén, đó là quy trình đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao. Nếu trong ngành chế biến đồ gỗ nội thất, một quy trình cần nhiều khâu nhiều bước, đòi hỏi người lao động phải có tính tỉ mỉ và thẩm mỹ cao, thì ngược lại, việc sản xuất viên nén gỗ đơn giản hơn. Quá trình sản xuất viên nén gỗ này gồm 5 bước là nghiền, sấy, ép, làm lạnh và đóng gói, và chủ yếu do máy móc làm việc. Như vậy, cơ sở sản xuất có thể tiết kiệm được thời gian và nhân công trong quá trình sản xuất viên nén gỗ.
Sản xuất viên nén gỗ tại một cơ sở ở Phú Thọ.
Nâng cao giá trị viên nén gỗ
Ngành sản xuất viên nén gỗ đang có bước đệm rất tốt để phát triển trong tương lai, nhưng để tiến xa hơn nữa vẫn còn một số điểm cần khắc phục. Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, ngành sản xuất và xuất khẩu trị giá “nửa tỷ đô” này đang tồn tại một số hạn chế. 
Do quy trình sản xuất đơn giản, viên nén gỗ là một sản phẩm có thể dễ dàng chế biến ở các cơ sở từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đôi khi chưa được kiểm soát chặt chẽ về khía cạnh chất lượng và pháp lý. 
Về mặt chất lượng, có không ít cơ sở lại sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, tạo ra sản phẩm chất lượng kém, mất uy tín với khách hàng. Do vậy, điều kiện tiên quyết để có thể đi xa trong thị trường tiềm năng này là doanh nghiệp phải chủ động sàng lọc kỹ hơn nguồn nguyên liệu đầu vào, không sử dụng nguyên liệu lẫn tạp chất, kém chất lượng.
Một khó khăn khác mà doanh nghiệp đang gặp phải, là các thủ tục liên quan tới đấu thầu, xuất khẩu tại một số thị trường. Chẳng hạn, để bán hàng cho nhà máy nhiệt điện Hàn Quốc phải qua một trung gian thương mại khiến cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ bị phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba. Điều này cũng khiến chi phí sản phẩm đến tay khách hàng tăng lên đáng kể.
Thực tế này đòi hỏi sự hỗ trợ nhằm tạo liên kết thông qua tổ chức, cơ quan đại diện nhằm hạ bớt các rào cản, giúp doanh nghiệp tiếp cận rộng rãi hơn tới các thị trường quốc tế. 
Một yếu tố khác khiến giá trị viên nén xuất khẩu chưa cao, hoặc khó chen chân vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, là các chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) còn ít. Về vấn đề này, ngành lâm nghiệp đã có kế hoạch đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ FSC, với mục tiêu đạt được 10 triệu ha vào năm 2030
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã được cải thiện khá tốt thông qua phát triển rừng trồng, đến nay đã chủ động được 75% nhu cầu nguyên liệu hàng năm. Trong những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu viên nén mỗi năm đạt khoảng 3 triệu tấn, tương đương 350 triệu USD về kim ngạch. Con số này hoàn toàn có thể tăng thêm nữa nếu như các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các tồn tại của mình và có kế hoạch sản xuất cũng như chiến lược kinh doanh thích hợp.
An Nhiên