Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 18:46 GMT+7

Tin hoạt động

Vì sự phát triển kinh tế xanh

17/06/2016

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là khi các hiệp định thương mại với châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nếu doanh nghiệp (DN) sớm đổi mới công nghệ phù hợp tiêu chuẩn thế giới, DN sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường  khu vực và toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra là DN phải làm gì để nắm bắt cơ hội đổi mới công nghệ hướng đến nền kinh tế xanh? Trước hết là tranh thủ tìm nguồn vốn đầu tư, chính phủ và các quỹ bảo vệ môi trường đang có chính sách khuyến khích và ưu đãi lãi suất cho vay đối với DN đầu tư đổi mới công nghệ nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. DN nên tham gia các hội chợ công nghệ trong nước và thế giới về “công nghệ xanh”, “đổi mới xanh”, “hành động xanh”…, để từ đó nắm bắt được xu hướng chung toàn cầu, những công nghệ xanh thế giới đang thực hiện và hướng tới, lựa chọn những công nghệ phù hợp với mình. Quan trọng hơn là các DN cần chuẩn bị đầu tư bài bản để đổi mới công nghệ theo các tiêu chí xanh của sản phẩm, tận dụng các nguồn vốn sẵn có và ưu đãi cho đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao thân thiện môi trường.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho biết, để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn vì công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp. Hầu hết các DN tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, chưa mạnh dạn “đầu tư mạo hiểm” để tạo ra bước đột phá trong sản xuất và kinh doanh. Tuy vậy, cũng đã có nhiều DN Việt có những bước đi phát triển theo hướng kinh tế xanh: Sản xuất củi viên nén, các loại củi đốt từ phế liệu nông nghiệp giúp tiết kiệm nhiên liệu giảm khí carbon thải ra môi trường; viên nén nhiên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp như trấu, mùn cưa…; xử lý rác thải như dự án thu hồi chì từ pin ắc quy, chì phế thải.

Cũng theo ông Phạm Hồng Quất, để đồng hành với DN trong quá trình phát triển xanh, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ. Đơn cử như Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) được thành lập từ năm 2013, cho vay thông qua phương thức ủy thác cho các ngân hàng thương mại, nếu DN nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; đổi mới trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới..., sẽ được hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay vốn ngắn hạn dưới 1 năm (không bao gồm vốn lưu động) là 5,5%/năm; lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7%/năm.

Mặt khác, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng đã được thành lập để hỗ trợ cho các DN chuyển đổi công nghệ. Trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, quỹ sẽ cho vay ưu đãi lãi suất, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ; nghiên cứu phát triển công nghệ mới, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới…