Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:08 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Mô hình Kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động xử lý Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

19/04/2022

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng Kinh tế tuần hoàn (KTTH) vào trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) với 01 quy định riêng về KTTH và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng KTTH trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công sang KTTH Việt Nam vẫn còn phải giải quyết nhiều bài toán thực tiễn đặt ra từ hoàn thiện chính sách, phát triển công nghệ, thị trường…
Mô hình Kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động xử lý Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Lòng đường, vỉa hè được tận dụng làm nơi tập kết phương tiện và CTRSH.
KTTH không chỉ đơn thuần là về quản lý chất thải và tận dụng chất thải, mà nó bao gồm một hệ thống với đầy đủ 5 khâu:
1) Thiết kế để hướng tới việc tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng sử chữa, phục hồi, tái chế, tái sử dụng của các sản phẩm, linh kiện, cấu kiện. Thiết kế trong KTTH không chỉ đơn thuần là thiết kế sản phẩm mà còn tính tới cả việc thiết kế chất thải của nó, thiết kế cho tương lai, sử dụng chất thải như một nguồn tài nguyên, bảo tồn và mở rộng những gì đã có, hợp tác để tạo ra giá trị chung, kết hợp công nghệ kỹ thuật số và giá cả cùng các cơ chế phản hồi khác phải phản ánh chi phí thực;
2) Sản xuất thông qua áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện cả tuần hoàn các nguyên vật liệu ngay trong khâu sản xuất;
3) Tiêu dùng thông qua việc cung cấp dịch vụ tốt hơn, tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sinh thái;
4) Quản lý chất thải bằng việc phân loại, thu gom tại cuối vòng đời, tái chế chất thải;
5) Từ chất thải trở lại thành tài nguyên gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên.
I. Đánh giá thực trạng về KTTH đối với CTRSH.
1.1. Phát sinh CTRSH
Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt-CTRSH) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. Coi CTRSH là vật chất còn lại trong sinh hoạt thường ngày của con người và là nguồn tài nguyên quý giá
Các chủ nguồn thải CTRSH, bao gồm: 1) Hộ gia đình; 2) Khu thương mại, dịchvụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ...); 3) Công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện...); 4) Khu công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố...); 5) Dịch vụ vệ sinh (quét đường, cắt tỉa cây xanh...); và 6) Các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất.
CTRSH phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp về thành phần: Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày; CTRSH phát sinh khoảng khoảng 25,5 triệu tấn năm 2018, trong đó CTR sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày; năm 2019, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi toàn quốc khoảng 64.221 tấn/ngày tăng 46% so với năm 2010 (khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.624 tấn/ngày, khu vực nông thôn là khoảng 28.394 tấn/ngày); dự báo lượng CTRSH ở Việt Nam sẽ tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.
Thành phần của CTRSH cơ bản gồm: 1) chất vô cơ (các loại phế thải thuỷ tinh, sành sứ, kim loại, giấy, cao su, nhựa, túi nilon, vải, đồ điện, đồ chơi...); 2) chất hữu cơ (cây cỏ loại bỏ, lá rụng, rau quả hư hỏng, đồ ăn thừa, xác súc vật, phân động vật...); và 3) các chất khác. Thành phần giấy và kim loại trong CTRSH thay đổi tùy thuộc nguồn phát sinh và có xu hướng tăng dần. Nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỉ lệ thấp, tuy nhiên các thành phần này đang có chiều hướng tăng qua các năm. Hiện nay, túi nilong đang là vấn đề đáng lo ngại trong quản lý CTRSH do thói quen sử dụng của người dân, tỷ lệ chất thải nhựa trong CTRSH khoảng 10 - 12%, ước tính có gần 2,6 - 2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2019, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.
1.2. Thiết kế và phân loại CTRSH để CTRSH là nguồn tài nguyên.
1.2.1 Thiết kế KTTH đối với CTRSH.
1.2.1.1 Nguồn tài chính
- Nguồn tài chính phục vụ công tác quản lý CTRSH được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và một phần thu phí vệ sinh:
+, Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2011 tăng 16,37% so với năm 2010, năm 2015 tăng 14,2% so với năm 2014; Năm 2018 là 18.392 tỷ đồng tương đương 1,2% tổng chi ngân sách Nhà nước, năm 2019 là 20.442 tỷ đồng tương đương 1,25% tổng chi ngân sách Nhà nước. Kinh phí chi trung bình cho hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH tại các địa phương khoảng từ 20 - 40 tỷ đồng/ năm, thấp nhất có những tỉnh chi khoảng 03 đến 10 tỷ đồng/năm [16].
+, Nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh chỉ đủ chi trả khoảng 20 - 25% chi phí thu gom và vận chuyển CTRSH đô thị và chưa có số liệu tại khu vực nông thôn.
- Để cải thiện nguồn tài chính phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH, tác giả đề xuất cần hoàn thiện một số vấn đề như sau: 1) Cải thiện nguồn thu từ Phí vệ sinh đối với chủ nguồn thải CTRSH; 2) Nhà nước có sự điều tiết nguồn tài chính phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH giữa các địa bàn, vùng khác nhau trên toàn quốc.
1.2.1.2 Cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ CTRSH
Nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội về việc cung ứng dịch vụ CTRSH, Nhà nước đầu tư, phát triển CSHT phục vụ thị trường dịch vụ CTRSH gồm: (1) Hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH; (2) Các trạm trung chuyển CTRSH; và (3) Các khu xử lý CTRSH.
Trong những năm vừa qua, hệ thống CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH luôn được Nhà nước quan tâm, đầu tư, phát triển trên toàn quốc, đặc biệt là tại các đô thị lớn; tuy nhiên CSHT để thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời so với tình hình phát sinh CTRSH và chưa đáp ứng chất lượng dịch vụ CTRSH. Xác định một số hạn chế và nguyên nhân như sau:
a) Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động đầu tư CSHT cung ứng CTRSH, khoảng 80% (trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 35%, vốn ODA chiếm khoảng 45%), vốn của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 20% . Nguyên nhân chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao như: đơn giá dịch vụ thấp; chi phí đầu tư lớn; thời gian thực hiện dài; tính toán thu hồi vốn phức tạp.
b) Hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH còn nhiều bất cập:
- Thứ nhất, các xe cũ nát vẫn được sử dụng, không có nắp đậy, khi hoạt động được cơi nới, chứa rác cao che lấp công nhân đẩy rác; thứ hai, xe máy có gắn thùng, chủ yếu sử dụng các xe máy cá nhân gắn các thùng có hai bánh xe, khích thước không quy định (phần lớn là do các nghiệp đoàn, hợp tác xã, tổ thu gom), chở rác đến các điểm trung chuyển hoặc tập kết thường gây rơi vãi rác, nước rỉ rác, phát tán mùi và gây mất an toàn giao thông; thứ ba, vận chuyển rác bằng xe ben, xe tải không có nắp đậy, hoạt động trên đường gây rơi vãi rác, nước rỉ rác và phát tán mùi. Lên, xuống rác thủ công gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Xe ben, xe tải không chỉ đang hoạt động ở các đô thị cấp IV, V mà hiện còn hoạt động ở các khu vực ngoại thành, các thành phố lớn; và thứ tư, một số đô thị sử dụng xe ép rác cũ, cơ cấu ép không có nắp đậy, không có thùng chứa nước rỉ rác.
- Nguyên nhân xác định như sau
+, Thứ nhất, phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH đầu tư, trang bị nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trên một địa bàn; chỉ có quy định chung về trách nhiệm doanh nghiệp là bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định.
+, Thứ hai, đã có quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH nhưng thiếu cụ thể về số lượng, quy cách chất lượng phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt. Từ thực tế này sẽ dẫn đến việc đầu tư cầm chừng, chắp vá, tận dụng lại phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt còn có thể sử dụng được.
+, Thứ ba, thời gian các gói thầu cung ứng dịch vụ còn ngắn đã khiến doanh nghiệp cung ứng dịch vụ không muốn đầu tư, đổi mới phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH.
+, Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về phương tiện thu gom, vận chuyển đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ CTRSH còn nhiều hạn chế.
c) Hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển các điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý CTRSH còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ. Xác định nguyên nhân như sau:
- Vị trí đầu tư xây dựng các khu tái chế, xử lý CTRSH được thể hiện trong quy hoạch xử lý CTR, trên thực tế nhiều vị trí không phù hợp đã phải thay đổi địa điểm thực hiện dự án, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước trong việc lập quy hoạch và nhiều rủi ro cho chủ đầu tư dự án.
- Doanh nghiệp phải thực hiện tất cả các công đoạn triển khai dự án, đặc biệt là quá trình giải phóng mặt bằng đã gây ra nhiều khó khăn doanh nghiệp; có doanh nghiệp phải mất đến 3 - 4 năm chỉ để thực hiện được giải phóng mặt bằng, khi đó các bối cảnh khách quan đã tác động đến dự án, nhiều nội dung trong dự án phải thay đổi khiến chủ đầu dự án thực hiện lại từ đầu.
- Nhiều địa phương chưa có định hướng công nghệ xử lý CTRSH ngay từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, từ một số nguyên nhân làm dự án chậm tiến độ đã kéo theo sự không phù hợp về công nghệ xử lý CTRSH so với định hướng tại thời điểm hiện tại; từ đó, doanh nghiệp phải đề xuất lại công nghệ xử lý CTRSH phù hợp.
- Thiếu quy định cụ thể về năng lực doanh nghiệp thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH; từ đó, nhiều doanh nghiệp được phép tiếp cận với các dự án tái chế, xử lý CTRSH nhưng trong quá trình thực hiện lại không đủ năng lực, kinh nghiệm dẫn đến việc xin dừng dự án.
- Sự phản đối của người dân sống xung quanh các khu vực thực hiện dự án tái chế, xử lý CTRSH; sự phản đổi này bắt nguồn từ thực trạng ô nhiễm môi trường quanh các khu xử lý CTRSH chưa được xử lý triệt để và người dân chưa hiểu, chưa tin tưởng vào dự án, chưa thấy có các quyền lợi khi dự án thực hiện.
c) Một số vấn đề cần hoàn thiện để phát triển CSHT mang tính đồng bộ, trên cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, giảm dần các hoạt động đầu tư từ Nhà nước dần đáp ứng cho mô hình KTTH đối với CTRSH.
- Thứ nhất, đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH: 1) Quy định cụ thể về CSHT vào trong điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH; 2) Hoàn thiện có hệ thống các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT; và 3) Quy định cụ thể về năng lực doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ CTRSH và các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan.
- Thứ hai, đối với công tác quy hoạch CTR, cần xem xét và hoàn thiện các nội dung liên quan đến quy hoạch CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH
- Thứ ba, đối với cộng đồng dân cư xung quanh khu vực xây dựng các dự án tái chế, xử lý CTRSH cần có các biện pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận khi thực hiện quy hoạch và xây dựng dự án.
- Thứ tư, đối với công nghệ xử lý CTRSH, các địa phương có định hướng và tiêu chí cụ thể về công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với từng thời kỳ phát triển KTXH.
- Thứ năm, đối với giá dịch vụ CTRSH, cần được tính theo công nghệ cung ứng dịch vụ
1.2.1.3 Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRS
- Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng thành lập mới, đã hình thành lực lượng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH hùng hậu, đa dạng loại hình (doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và HTX, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), từ đó góp phần nâng cao năng lực nguồn cung dịch vụ CTRSH trên toàn quốc.
- Một số hạn chế và xác định nguyên nhân trong phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH:
+, Phần lớn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH vẫn chưa tiếp cận được các ưu đãi bởi các quy định pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật BVMT; Luật Đầu tư; Luật Đất đai; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế GTGT; Luật Tài nguyên nước, từ đó đã tạo sự chồng chéo, phân tán, chưa thống nhất và không đồng bộ giữa các quy định; còn nhiều khoảng trống pháp lý chưa được giải quyết, đặc biệt đang thiếu các cơ chế nhằm triển khai áp dụng.
+, Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH thường có quy mô nhỏ (vốn, công nghệ - thiết bị, lao động, phạm vi hoạt động); doanh nghiệp tư nhân chủ yếu cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH, hoạt động tái chế, xử lý CTRSH thường do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện. Nguyên nhân là do Nhà nước có ưu đãi, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH nhưng lại thiếu những quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH nên đã có doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia cung ứng dịch vụ CTRSH và dễ dàng rút khỏi thị trường dịch vụ này.
- Một số vấn đề hoàn thiện để phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH
+, Thống nhất trong chính sách pháp luật các quy định về ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH.
+, Hình thành mạng lưới doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các điạ phương, đáp ứng nhu cầu xử lý CTRSH.
+, Phát triển, mở rộng quy mô doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH, hình thành những doanh nghiệp trong nước đủ mạnh thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại.
+, Công khai thông tin về năng lực doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH.
+, Hoàn thiện quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH.
1.2.2 Phân loại CTRSH
a) Vai trò và hiện trạng thực hiện phân loại CTRSH.
Phân loại CTRSH tại nguồn giữ một vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ việc cung ứng dịch vụ tái chế, xử lý CTRSH, mục đích của phân loại CTRSH tại nguồn là tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (chiếm tỷ lệ cao, từ 60 - 80%); Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng hay còn gọi là phế liệu; và Nhóm chất thải còn lại.
Phân loại CTRSH tại nguồn sẽ nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế; làm giảm khối lượng CTRSH cần xử lý chôn lấp, từ đó tiết kiệm được các chi phí xử lý, giảm ảnh hưởng đến công suất các bãi chôn lấp, nhất là trong điều kiện quỹ đất để dành cho các bãi chôn lấp ngày càng hạn chế và điều kiện VSMT trong, xung quanh bãi chôn lấp hiện chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường; giảm khối lượng chất thải cần xử lý là tiền đề quan trọng để thực hiện việc thu phí rác thải sinh hoạt thải theo khối lượng.
Phân loại CTRSH tại nguồn trên phạm vi toàn quốc được thực hiện tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm chương trình phân loại CTRSH từ những năm 1999; Hưng Yên (2012 - 2014); Bắc Ninh (2014); Lào Cai (2016); Bình Dương (2017 - 2018); Đồng Nai (2016 - 2018); Đà Nẵng (2017); Hà Tĩnh (2019)...
b) Một số hạn chế và nguyên nhân tồn tại.
Hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn mới được thực hiện tại một số địa phương có điều kiện về phát triển kinh tế - xã hội, chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Xác định một số nguyên nhân như sau:
1) Rác thải sinh hoạt tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai nhặt và bán tái chế trước khi các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh soạt có thể thu hồi.
2) Đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại rác thải sinh hoạt được phân loại; do vậy, trong nhiều trường hợp chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, dẫn đến việc phân loại tại nguồn chưa có hiệu quả.
3) Trong nhiều trường hợp, CTRSH được phân loại tại nguồn trong khi cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung nên hiệu quả của việc phân loại tại nguồn không cao.
4) Kinh phí thực hiện cho phân loại rác sinh hoạt tại nguồn đòi hỏi cao hơn nhiều lần so với dịch vụ CTRSH như hiện nay, đây là một bất cập chưa thể giải quyết được trong khoảng thời gian ngắn hạn, vì Nhà nước đang phải bù giá dịch vụ CTRSH và trực tiếp đầu tư phần lớn CSHT cho hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH.
5) Chưa nhận được sự hưởng ứng của chính quyền địa phương vì còn thiếu các chính sách pháp luật quy định chi tiết nội dung này.
c) Một số vấn đề cần hoàn thiện để thực hiện phân loại CTRSH
Hoàn thiện các quy định và nguồn lực thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
Xây dựng chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại CTRSH tại nguồn.
1.3. Trách nhiệm của chủ nguồn thải CTRSH
Chủ nguồn thải CTRSH có trách nhiệm phân loại, lưu giữ CTRSH tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; có trách nhiệm nộp Phí vệ sinh cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
Đối với quy luật Cầu hàng hoá thông thường trên thị trường, lượng cầu về một loại hàng hoá sẽ tăng lên khi mức giá của chính hàng hoá này hạ xuống và ngược lại; tuy nhiên, lượng sử dụng dịch vụ CTRSH không tuân theo quy luật nói trên vì một số tác động như sau: 1) Do được nhà nước bù giá, Phí vệ sinh thường ở mức thấp và được giữ cố định trong một thời gian dài nên lượng cầu CTRSH không phụ thuộc vào giá dịch vụ CTRSH; và 2) Lượng cầu dịch vụ CTRSH tại một địa điểm cụ thể phụ thuộc vào một số yếu tố làm tăng lượng CTRSH phát sinh như: thu nhập, nhận thức người tiêu dùng, giá cả của các hàng hoá khác có liên quan, số lượng người tiêu dùng tham gia vào thị trường.
Để thực hiện theo nguyên tắc: BVMT phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường hoặc gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường và bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện phương án thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích CTRSH trên toàn quốc, định hướng phù hợp theo công nghệ, thiết bị cung ứng dịch vụ CTRSH
1.4. Công nghệ tái chế, xử lý CTRSH.
Trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh); công nghệ xử lý CTRSH hiện nay đang áp dụng gồm công nghệ chôn lấp, công nghệ tái chế CTRSH làm phân hữu cơ (compost), công nghệ đốt CTRSH không phát điện, công nghệ đốt CTRSH để phát điện, công nghệ Khí hóa; trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở xử lý CTRSH cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, cấp xã, liên xã.
Nhìn chung công nghệ tái chế, xử lý CTRSH cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu VSMT, chỉ có rất ít công nghệ tại các đô thị lớn đáp ứng yêu cầu tuần hoàn đối với CTRSH như: Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB - Cần Thơ; Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý của Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý - Hà Nội.
II. Một số giải pháp để thúc đẩy mô hình KTTH đối với CTRSH
Để đáp ứng tiêu chí: 1) Kéo dài thời gian sử dụng các thành phần trong CTRSH, và 2) Hạn chế CTRSH phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; trên cơ sở các vấn đề cần hoàn thiện để phù hợp và phát triển KTTH đối với CTRSH, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
2.1. Phát triển nguồn tài chính phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt
a) Phát triển nguồn tài chính phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:
Nhà nước cần xem xét nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được chi theo khả năng ngân sách và điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn của địa phương, từ đó sẽ tăng tính chủ động về nguồn vốn để ưu tiên đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.
Nhà nước cần xem xét bổ sung quy định tỷ lệ chi từ nguồn thu thuế BVMT được sử dụng để đầu tư trực tiếp cho công tác BVMT nói chung và phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH nói riêng.
Nhà nước cần có quy định cụ thể đối với những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn được hỗ trợ nguồn tài chính phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH từ nguồn trung ương.
b) Cải thiện phương thức giao chỉ tiêu thu phí vệ sinh để tăng dần nguồn thu, giảm dần sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Trước khi áp dụng quy định thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải trên toàn quốc (muộn nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024) hoặc những địa phương chưa thực hiện quy định này thì các chủ đầu tư (quận/huyện/ thị xã và sở TNMT) và đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH cần phải rà soát, lên danh sách các chủ nguồn thải CTRSH thực tế tại địa phương để tiến hành thu Phí vệ sinh, đảm bảo thu đúng, thu đủ và có giải pháp cụ thể đối với trường hợp không nộp Phí vệ sinh.
2.2. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt
a) Phát triển cơ sở hạ tầng trong quy hoạch quản lý chất thải rắn (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) tại các địa phương:
1) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển CSHT đã có trong quy hoạch quản lý CTR tại các địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2) Rà soát, điều chỉnh kịp thời nội dung phát triển CSHT trong quy hoạch quản lý CTR tại các địa phương, cần đưa ra khỏi quy hoạch các dự án xử lý CTRSH không thực hiện được và bổ sung kịp thời vị trí các dự án xử lý CTRSH khả thi.
3) Bổ sung vào trong quy hoạch quản lý CTR cấp vùng các khu xử lý CTRSH với quy mô lớn làm hoạch định thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vào các khu xử lý CTRSH đã có từ trước.
4) Bổ sung quỹ đất trong quy hoạch quản lý CTR tại các địa phương để xây dựng điểm lưu giữ phương tiện, thiết bị thu gom CTRSH và điểm tập kết, trung chuyển CTRSH.
b) Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt:
1) Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH đối với các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển.
2) Xây dựng và thực hiện quy trình bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.
3) Xây dựng và ban hành quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án tái chế, xử lý CTRSH theo hướng: 1) rút gọn thủ tục đầu tư; 2) tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm đất và có thu hồi tài nguyên, năng lượng; và 3) trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý CTRSH sau khi xây dựng xong, đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án xử lý CTRSH.
4) Trên cơ sở tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH [Điều 28, 30], các địa phương xây dựng, ban hành quy định về định hướng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
5) Có chính sách ưu đãi cụ thể về nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH: ban hành cụ thể mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng; giảm thiểu thủ tục trong quá trình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH triển khai vay vốn (bao gồm cả vay từ nguồn vốn ưu đãi); và điều chỉnh mức vốn đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH phù hợp với thực tế đầu tư trong nước.
c) Tạo sự đồng thuận từ cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt:
1) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân sống gần các cơ sở xử lý CTRSH để khuyến khích người dân ủng hộ việc thực hiện dự án xử lý CTRSH và đồng thuận giao đất.
2) Đổi mới phương pháp tuyên truyền, cách thức vận động và lấy ý kiến cộng đồng để tạo sự đồng thuận của người dân đối với một số vị trí quy hoạch các khu xử lý CTRSH.
2.3. Phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt
a) Các địa phương hoàn thiện và phát triển mạng lưới doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030:
1) Đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ CTRSH trên địa bàn; khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; định hướng phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH đáp ứng nhu cầu xử lý môi trường nhằm đạt được các mục tiêu xử lý môi trường trên địa bàn.
2) Lồng ghép các nội dung của kế hoạch phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Phát triển, mở rộng quy mô doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt:
1) Có chính sách ưu đãi cụ thể về nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH như chính sách ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.
2) Đảm bảo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH cần thực hiện một số nội dung như đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động, công cụ, dụng cụ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH theo đúng quy định; đảm bảo 100% người lao động tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, trả lương theo đúng thoả thuận; và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ yêu cầu quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng các cơ sở tái chế, xử lý CTRSH.
3) Khuyến khích đổi mới công nghệ, thiết bị phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nhà nước ban hành quy trình kỹ thuật đối với phương thức thu gom, vận chuyển của từng nhóm CTRSH đã được phân loại; phương tiện vận chuyển CTRSH đã được phân loại; phương thức xử lý đối với từng nhóm CTRSH đã được phân loại.
Thứ hai, các địa phương tăng thời gian gói thầu cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH cần có tối thiểu là 5 năm cao nhất là 7 năm để đảm bảo đủ thời gian khấu hao thiết bị, máy móc; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH yên tâm làm việc và đầu tư, đổi mới các thiết bị cơ giới hiện đại.
Thứ ba, các địa phương xây dựng phương án cơ giới hóa phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, trong đó cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH bằng phương thức cơ giới hóa không nên cào bằng với các phương thức thủ công, lạc hậu để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư các thiết bị hiện đại hơn phục vụ thu gom, vận chuyển CTRSH.
2.4. Giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Xây dựng lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với tình hình phát triển KTXH của từng địa phương, cần thí điểm tại một số địa bàn cụ thể để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mô hình; phân loại CTRSH tại nguồn phải đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH đã phân loại.
Chính sách phân loại CTRSH tại nguồn phải có quy định cụ thể hơn về lợi ích kinh tế của chủ nguồn thải CTRSH.
Nhà nước ban hành chính sách pháp luật quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các thành phần tham gia trong hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn, bao gồm: 1) truyền thông; 2) chính quyền địa phương; 3) đơn vị cung ứng dịch vụ CTRSH; 4) tổ chức doanh nghiệp; và 5) chủ nguồn thải trong phân loại CTRSH tại nguồn.
2.5. Giải pháp nâng cao trách nhiệm của chủ nguồn thải CTRSH.
a) Hoàn thiện chính sách pháp luật quy định xử phạt đối với chủ nguồn thải CTRSH
Rà soát các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nguồn thải CTRSH liên quan đến hành vi vứt, thải bỏ CTRSH ra nơi công cộng, cần sửa đổi bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, xuyên xuốt, không chồng chéo trong các nội dung xử lý vi phạm.
Xem xét xử phạt chủ nguồn thải CTRSH theo hình thức lũy tiến, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm
Cần xem xét áp dụng chế tài hình sự đối với chủ nguồn thải CTRSH có hành vi vứt, thải bỏ khối lượng lớn CTRSH ra môi trường.
b) Hoàn thiện giá dịch vụ CTRSH
Sớm thí điểm việc áp dụng thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích CTRSH phát sinh; kiến nghị trong năm 2022 triển khai áp dụng thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích CTRSH phát sinh tại các đô thị đặc biệt, năm 2023 áp dụng tại một số địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày, năm 2024 áp dụng đối với các địa phương còn lại trên toàn quốc.
c) Xây dựng chương trình truyền thông mang tính tổng thể về KTTH đối với CTRSH, tuyên truyền trên cơ sở đảm bảo liên tục, thường xuyên, đa dạng và có hiệu quả nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của chủ nguồn thải CTRSH nói chung và các nhà quản lý nói riêng về KTTH đối với CTRSH.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: 1) Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2011- Chất thải rắn; 2) Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019- Chuyên đề Quản lý Chất thải rắn sinh hoạt; và 3) Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý CTR sinh hoạt tại Việt Nam, đề xuất giải pháp trong thời gian tới
- Chính phủ: 1) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; 2) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019; và 3) Nghị đinh số 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật BVM
- Luật Thuế Giá trị gia tăng, ban hành ngày 03/6/2008; Luật BVMT 2020.
- UBND TP. Hà Nội: Báo cáo công tác quản lý CTR trên địa bàn Hà Nội.
Theo https://congnghiepmoitruong.vn