Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:52 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Nghệ An

04/04/2022

Tại Nghệ An, theo kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, tỉnh này có khoảng 1.600ha diện tích có thể khai thác đầu tư năng lượng mặt trời, tương đương công suất 1.300 MWp.
Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, trong năm 2021, sản lượng điện điện thương phẩm thực hiện đạt 4.105,78 triệu kWh, tăng 9,0% so với năm 2020 và đạt 100,1% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, năng lượng tái tạo đối với các dự án điện mặt trời áp mái nhà trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới có 790 khách hàng sử dụng với tổng công suất 91,93 MWp (tương đương 73,54MW). Trong đó số lượng khách hàng là các hộ dân sử dụng điện mặt trời áp mái là 696 khách hàng với tổng công suất là 6,83 MWp (tương đương 5,83 MW).
Số khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái có công xuất 100kWp trở lên là 94 doanh nghiệp với tổng công suất 85,1MWp (68,08MW), bao gồm tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và dân dụng, dịch vụ cụ thể như: lĩnh vực công nghiệp có 52 doanh nghiệp tham gia với tổng công suất 47,87 MWp (38,30MW); lĩnh vực nông nghiệp có 25 doanh nghiệp tham gia với tổng công suất 26,95MWp (21,56MW); lĩnh vực dân dụng, dịch vụ có 17 doanh nghiệp với tổng công suất 10,28 MWp (8,22MW).
Nghệ An ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về khuyến khích phát triển điện mặt trời, Nghệ An đã tăng đấu nối các dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất đấu là 91,93 MWp, tương đương với 73,54MW (trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 - 31/12/2020). Còn sau thời điểm đó đến nay không có công trình điện mặt trời áp mái nào được đấu nối.
Số liệu trên cho thấy, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà như vậy là còn khá khiêm tốn, cho nên sản lượng điện phát lên lưới không cao.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID), Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương tại Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình đạt khoảng 1.700 - 2.000 giờ/năm, thuộc nhóm các khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước, và lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,73 kWh/m2/ngày. Với vị trí địa lý và khí hậu Nghệ An có thể khai thác điện mặt trời hiệu quả trong cả năm, đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10.
Từ nhu cầu thực tế sử dụng năng lượng trên địa bàn Nghệ An tăng cao qua các năm và việc phát triển nguồn cung năng lượng hoá thạch ngày càng được hạn chế nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, Nghệ An đã và đang ưu tiên phát triển nguồn điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chia sẻ về việc lắp điện áp mái, ông Nguyễn Văn Tuấn - khu đô thị Vinh Tân - TP. Vinh Nghệ An cho hay: "Tôi cảm thấy hệ thống điện mặt trời an toàn, gọn gàng và sạch sẽ. Như gia đình tôi, một năm chỉ cần vệ sinh 1-2 lần. Tác dụng chống sét của hệ thống điện mặt trời cũng rất an toàn và xử lý tốt hơn cả cách truyền thống trước đây. Các tấm pin không quá nặng và tốn diện tích khi xếp chồng lên nhau, nhà tôi đổ mái bằng nên lại thêm mát cho căn nhà.”
Nhiều hộ dân ở Nghệ An đầu tư sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời như một giải pháp vừa tiết kiệm điện vừa chống nóng
"Với các hộ gia đình như chúng tôi, chỉ cần lắp pin từ 10 kWp trở lên là đồng nghĩa với ban ngày không cần mua điện lưới. Người dùng chỉ phải mua điện ban đêm. Tôi thấy không chỉ trong gia đình mà hệ thống này sẽ rất phù hợp với siêu thị, quán hàng ăn... vì chủ yếu kinh doanh ban ngày" - ông Tuấn nói.
Theo Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay đa phần dự án là ở địa phương, công suất nhỏ của các hộ gia đình dùng bộ biến tần (inverter) hòa lưới, không có bộ trữ điện. Điều đó có nghĩa, khi điện lưới mất hoặc không được đấu nối vào lưới điện công cộng thì điện mặt trời mái nhà cũng không thể hoạt động, cho dù trời nắng các tấm pin năng lượng mặt trời vẫn có thể phát điện nhưng lại phải chạy không tải. Tình trạng này dẫn đến nhiều dự án, công trình điện mặt trời mái nhà không kịp hoàn thành, lên lưới trước ngày 31/12/2020, gây lãng phí rất lớn.
Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng cao, Nghệ An đã và đang ưu tiên phát triển nguồn điện từ nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện mặt trời... đồng thời kêu gọi đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tỉnh Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch số 330 ngày 16/6/2021 về triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cũng theo tính toán của ngành Công Thương Nghệ An, trong năm 2020 mức tiêu thụ điện năng tỉnh Nghệ An là 3,8 tỷ KW, dự tính đến 2025 là 6,75 tỷ KW và năm 2030 là 9,55 tỷ KW. Bởi vậy việc đầu tư cho năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết.
Theo như khảo sát, tiềm năng - năng lượng tái tạo ở Nghệ An đạt trên 17.400 MW. Tuy nhiên theo dự thảo Quy hoạch điện 8 thì chỉ đưa vào 110 MW thuộc thủy điện nhỏ chiếm 0,6%. Đây là tỷ lệ khá thấp, trong khi đó tiềm năng ở Nghệ An có thể thực hiện được điện mặt trời áp mái, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời trên mặt nước và điện gió trên bờ. Đây là những nguồn năng lượng tái tạo được coi là thân thiện với môi trường.
Trước khi phát triển điện mặt trời công suất lớn, Nghệ An đã ưu tiên lắp đặt điện mặt trời công suất nhỏ. Việc này rất hiệu quả, mang lại giá trị về mặt kỹ thuật và kinh tế lớn, khuyến khích người dân tự bỏ vốn đầu tư, đồng thời dễ lắp đặt bộ lưu trữ điện cho hệ thống điện mặt trời.
Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư thực hiện 2 dự án là Nhà máy điện mặt trời hồ Vực Mấu và Nhà máy điện năng lượng mặt Khe Gỗ MK tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai với tổng công suất 450 MWp, tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng.
Tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa ký ngày 1/3/2022, trong đó mục tiêu là thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và phát lên hệ thống điện quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đang đề xuất đưa 7 dự án điện mặt trời nối lưới vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 với tổng công suất 680  MWp
Theo Báo Công Thương