Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:06 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xây dựng hệ thống quản lý môi trường trong quản lý chất thải mỏ

04/04/2022

Theo Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) sửa đổi, các cơ sở kinh doanh có lưu lượng xả thải lớn sẽ phải áp dụng EMS theo TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia, các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim VIMLUKI (Bộ Công Thương) đã đề xuất phương pháp xây dựng Hệ thống quản lý môi trường - EMS cho các doanh nghiệp Việt Nam. EMS là một phần trong hệ thống quản lý chung để triển khai, áp dụng chính sách môi trường và quản lý các vấn đề môi trường của doanh nghiệp. Mục tiêu EMS nhằm: tăng sự tuân thủ và giảm lượng chất thải; Giúp các tổ chức sản xuất / dịch vụ bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm và cải tiến liên tục hệ thống quản lý môi trường của mình; Tuân thủ và duy trì các tiêu chuẩn tối thiểu và giảm lượng chất thải để giảm tác động môi trường. 

Trạm xử lý nước thải khai khoáng tại mỏ Núi Pháo. 

Hiện nay, hệ thống EMS theo tiêu chuẩn ISO 14001 là công cụ giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa ô nhiễm thay vì đối phó thụ động. Tại Việt Nam, chứng chỉ ISO 14001:1996 đã được cấp lần đầu vào năm 1998, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp áp dụng được đánh giá chưa tương xứng tiềm năng. Theo Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) sửa đổi, các cơ sở kinh doanh có lưu lượng xả thải lớn (nước thải, khí và bụi thải) sẽ phải áp dụng EMS theo TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận. 

Từ thực tế này, các nhà khoa học của Viện VIMLUKI đã nghiên cứu một số kinh nghiệm quốc tế, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam định hướng xây dựng hệ thống EMS trong quản lý chất thải mỏ của doanh nghiệp mình. 

Nguyên tắc xây dựng hệ thống EMS

Nguyên tắc tổng thể quản lý chất thải mỏ cho dự án khai thác mỏ gồm: Các chương trình đảm bảo chất thải được loại bỏ, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý; cùng hồ sơ lưu trữ có thể kiểm soát, theo dõi ở tất cả các khâu từ phương án sử dụng nguyên liệu thô hiệu quả tới  phương án giảm tác động môi trường trong sản xuất. EMS đánh giá các sản phẩm và mọi mặt hoạt động của dự án cung như hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy sử dụng sản phẩm, công nghệ an toàn và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. EMS còn tư vấn cho các bên liên quan về các tác động tới sức khỏe, an toàn, môi trường và cộng đồng có tính đến các yếu tố tái chế và thải bỏ sản phẩm của dự án.

Hệ thống EMS cần được liên tục phát triển, thực hiện và duy trì, cập nhật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế công nhận như ISO 14001. Các thành phần cơ bản của EMS bao gồm: mục tiêu và mục đích trong chính sách môi trường của doanh nghiệp; danh mục các hành động môi trường của doanh nghiệp; các quy trình nội bộ thực thi chính sách môi trường của doanh nghiệp; quan trắc, kiểm tra và kiểm toán; hoạt động cải thiện.

Hệ thống EMS theo tiêu chuẩn ISO 14001 là công cụ giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa ô nhiễm thay vì đối phó thụ động. Trong ảnh là nhà máy chế biến tinh quặng tại mỏ Núi Pháo. Nguồn ảnh: TTXVN.

Kinh nghiệm và gợi ý 

Qua nghiên cứu một số kinh nghiệm tại các mỏ Canada, các nhà khoa học Viện VIMLUKI đã đưa ra một vài điểm mấu chốt liên quan đến xây dựng và áp dụng EMS cho các cơ sở khai thác mỏ trong nước như sau: 

Thiết kế, vận hành và kiểm tra

Các yếu tố ảnh hưởng tới thiết kế đập thải bao gồm: địa chấn, tiêu chuẩn địa kỹ thuật, độ nhạy về môi trường, chất lượng nước hồ đập, chất lượng nước thải, tiêu chuẩn về thủy văn, các quy định pháp luật, kiểm soát rò rỉ, bảo vệ nước mặt và nước ngầm và các hệ thống xử lý.

Vận hành bao gồm kế hoạch thải quặng đuôi hàng năm theo thiết kế, phương án xử lý nước, phương pháp thải, bảo dưỡng và môi trường.

Kiểm tra, kiểm toán nội bộ và bên ngoài phải được thực hiện thường xuyên và định kỳ nhằm đảm bảo tính ổn định, bền vững và vận hành tuân theo các kế hoạch đã thiết lập. 

Nhận diện các vấn đề chính

Kế hoạch quản lý hồ đập thải gồm các vấn đề: thiết kế hồ đập thải, phạm vi thải, độ ổn định hồ đập thải, phương pháp thải, chế độ thủy văn, hệ thống kiểm soát nước trên hồ đập và biện pháp quản lý tác động môi trường. 

Ban thường trực quản lý đập thải 

Ban quản lý gồm đại diện các bộ phận liên quan, có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn hồ đập thải và các thiết kế liên quan, cũng như thực hiện kiểm tra định kỳ để đưa ra những điều chỉnh đảm bảo sự vận hành ổn định hồ đập thải. 

Đánh giá từ bên ngoài

Thông thường, doanh nghiệp sẽ thuê chuyên gia địa kỹ thuật bên ngoài đến kiểm tra và đánh giá hệ thống thải đuôi quặng của toàn bộ các đập, hồ thải. Hoạt động nhằm bổ sung đánh giá khách quan cho kết quả hoạt động quản lý môi trường và góp phần làm cơ sở cải thiện hệ thống EMS của doanh nghiệp. 

Trồng cây phục hồi môi trường tại mỏ Núi Pháo.

Các quy trình quản lý sẽ được thể hiện trong nhiều tài liệu kỹ thuật, gồm cả quy trình kiểm tra và quy trình ứng phó khẩn cấp. Khi đã xây dựng được hệ thống EMS, điều quan trọng tiếp theo là cần có bộ phận chuyên môn có đủ trình độ, kỹ năng thực việc các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá liên quan. Đồng thời, hệ thống EMS cũng cần được rà soát, chỉnh sửa định kỳ để phù hợp với các quy định BVMT mới và điều kiện vận hành thực tế. 

An Nhiên