Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:10 GMT+7

Sản xuất bền vững

Nông nghiệp An Giang chuyển hướng liên kết sản xuất, phát triển bền vững

04/04/2022

Thời gian qua, việc đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn” được tỉnh An Giang quan tâm, chú trọng triển khai mạnh mẽ.
Tỉnh rất chú trọng hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, xúc tiến các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, từng bước khuyến khích, tạo động lực cho nhà đầu tư. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Mô hình sản xuất “Mặt ruộng không dấu chân”
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang - Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang còn thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, vai trò và lợi ích cả các bên tham gia được nâng lên đáng kể. Nhà nông có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ khoa học - công nghệ, được cung cấp vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp (DN), họ yên tâm và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. DN có nơi tiêu thụ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước (chính quyền các cấp và cơ quan quản lý nhà nước liên quan) tổ chức liên kết, triển khai chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học có cơ sở thực hiện các nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến lúa gạo, từng bước đưa lúa gạo An Giang vào tiến trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Đầu năm 2021, Tập đoàn TH khởi công xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang. Tại Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thoại Sơn, với mô hình LT123 (Lộc Trời 123), nông dân được bao tiêu đầu vào, đầu ra, lợi nhuận. Tập đoàn Lộc Trời cung ứng giống lúa; Liên hiệp HTX Thoại Sơn cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thu mua lúa... cùng vận hành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Nâng tầm giá trị hạt gạo xuất khẩu của An Giang qua việc liên kết sản xuất
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là DN tiên phong trong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Nhiều năm qua, công ty đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững ở An Giang và các tỉnh, thành phố. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời đóng vai trò quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, hình thành liên kết sản xuất, thúc đẩy hình thành Liên hiệp HTX và HTX, tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng của thị trường. Mới đây, Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (LTF)  (thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp HTX Thoại Sơn và trao tặng HTX 123 máy nông nghiệp (gồm: 63 máy gặt đập liên hợp, 36 máy cày, 14 máy cộ lúa, 10 máy cuộn rơm) với tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh: “Chúng tôi thực hiện cam kết 'Cùng nông dân phát triển bền vững', triển khai cơ giới hóa đồng bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất. Liên kết với nông dân thông qua HTX, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất lúa gạo quy mô lớn bằng cơ giới hóa đồng bộ, giúp bà con đỡ cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà năng suất không cao, đời sống chật vật, khó khăn. Đồng thời, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, nâng chất lượng lúa gạo, quy hoạch vùng trồng, giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, canh tác khoa học, tăng năng suất, có chất lượng, nâng cao lợi thế cạnh tranh”.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ghi nhận: “Tập đoàn Lộc Trời luôn đồng hành với nông nghiệp, nông dân và nông thôn An Giang gần 30 năm qua, vì một tương lai phát triển nông nghiệp bền vững. Việc Tập đoàn Lộc Trời ký kết hợp đồng tài trợ sản xuất - mua bán 2 triệu tấn lúa với các đối tác, giúp củng cố, nâng chất và đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu và hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình canh tác hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu; đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu, những thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Châu Âu... Qua đó, tổ chức tốt sản xuất và từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp HTX, HTX nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu sản xuất lúa tại An Giang, từng bước đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng DN, góp phần đưa nền nông nghiệp tiếp tục phát triển, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh và nông dân giàu có”.
Trước đó, Công ty Cổ phần nông sản Lộc Trời đã ký kết với Liên hiệp HTX Thoại Sơn, đại diện cho các hộ nông dân để triển khai canh tác và bao tiêu lúa trên diện tích hơn 100.000 ha thuộc tỉnh An Giang, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu việc “được mùa, mất giá”. Việc liên kết còn tạo thuận lợi cho địa phương tổ chức mùa vụ một cách chủ động. Đồng thời, từng bước đồng bộ và tích hợp dịch vụ nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên toàn chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng mô hình sản xuất không tiền mặt, “mặt ruộng không dấu chân” với việc cơ giới hóa đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đáng sống.
Nhật Minh