Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 12:19 GMT+7

Điển hình

Petrolimex đảm bảo trách nhiệm môi trường bằng tối ưu quản lý hoạt động

04/04/2022

Petrolimex đã khẳng định vị trí của nhà cung cấp xăng dầu uy tín số một trong nước, ở cả khía cạnh kinh tế và trách nhiệm môi trường. Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới kết quả sản xuất - kinh doanh, Tập đoàn vẫn duy trì nguồn cung năng lượng thường xuyên trên toàn hệ thống và đóng góp cho ngân sách nhà nước 34.760 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường không ngừng được nâng cao, không ghi nhận bất cứ sự cố môi trường nghiêm trọng nào phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh. Kết quả này có được nhờ phương pháp quản lý môi trường nhất quán, xuyên suốt và thực hành nghiêm túc trên toàn hệ thống. 

Để quản lý môi trường hiệu quả, Petrolimex đã xây dựng và áp dụng phương pháp quản lý môi trường nhất quán, xuyên suốt và thực hành nghiêm túc trên toàn hệ thống.

Quản lý môi trường

Trong lĩnh vực kinh doanh và phân phối xăng dầu, quản trị rủi ro chủ yếu tập trung ở việc hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trong các khâu lưu trữ, vận chuyển và phân phối; cũng như các tác động tiềm ẩn tới môi trường bên ngoài.

Trên cơ sở thực tế và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Petrolimex đã xây dựng bộ quy định quản lý cho công ty mẹ và làm cơ sở tham khảo cho các đơn vị thành viên xây dựng quy định riêng phù hợp với đặc thù quản lý, vận hành của mình. 

Do đặc điểm mặt hàng kinh doanh chính của Petrolimex là nhiên liệu, gián tiếp gây phát thải KNK, nên để giảm tác động môi trường, Tập đoàn đã chủ động lựa chọn sản phẩm chất lượng cao: Ron-95 tiêu chuẩn Euro IV và dầu DO 0,0015 tiêu chuẩn Euro V. Việc lựa chọn các sản phẩm chất lượng châu Âu được ước tính góp phần giảm đáng kể các loại khí thải phát thải từ động cơ. 

Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn, qua tiêu thụ DO 0,001S-V và Ron-95-IV năm 2020, lượng khí thải tiết kiệm được ước tính khoảng 24.625 tấn CO2, 4.867 tấn khí thải NOx + HC và NOx, 383 tấn bụi thải PM, 1.252 tấn THC. 

Qua báo cáo hàng năm cho thấy lượng khí thải tiết giảm được năm 2020 vẫn tăng so với năm 2019 dù tình hình sản xuất - kinh doanh không thuận lợi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, lượng khí thải CO2 và THC tiết giảm năm 2020 cao hơn so với năm trước lần lượt là 4.279 tấn và 217 tấn. 

Trong công tác quản lý môi trường trong kinh doanh xăng dầu, Petrolimex chia chất thải rắn thành hai loại: chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại. 

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khối văn phòng, cửa hàng kinh doanh từ sinh hoạt của CBCNV và một phần từ khách hàng. Lượng rác thải rắn này được hợp đồng với các công ty môi trường, đơn vị đủ điều kiện tới thu gom, xử lý. Chất thải nguy hại được quản lý theo quy định pháp luật, gồm: chất thải lẫn dầu; các loại dầu nhờn, dầu động cơ thải; bùn thải từ hố lắng gạn, hệ thống xử lý nước thải; vỏ dầu lon, hộp bằng nhựa có bám dính dầu; Bóng đèn huỳnh quang thải; hộp mực in thải; pin, ắc quy chì thải; găng tay, giẻ lau nhiễm dầu.

Lượng chất thải nguy hại phát sinh tại các cơ sở kinh doanh của Tập đoàn không lớn, có nơi chỉ khoảng vài kg/năm. Tuy nhiên việc quản lý chất thải nguy hại của vẫn tuân thủ theo quy định pháp luật về bảo quản, lưu chứa, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại thu gom, vận chuyển, xử lý. Sắp tới, Tập đoàn xây dựng chuẩn mẫu chung lưu chứa chất thải nguy hại tại cửa hàng và kho xăng dầu đảm bảo đồng bộ.

Về nước thải, chủ yếu phát sinh tại các kho xăng dầu khi có vệ sinh công nghiệp, nước mưa chảy tràn tại khu vực có khả năng nhiễm dầu. Một số trường hợp phát sinh khi súc rửa bể chứa hoặc đường ống xăng dầu. Cách xử lý phổ biến là được các công ty vệ sinh mang đi xử lý như chất thải nguy hại. Ngoài ra, Petrolimex đang nghiên cứu Đề án chuẩn hóa hệ thống thu gom và xử lý nước thải nhiễm dầu tại các kho để áp dụng lên toàn hệ thống. 

Từ kinh nghiệm vận hành thực tế, quan trọng nhất trong quản lý môi trường là quản lý sự cố tràn đổ ra ngoài mang tác động xấu tới môi trường xung quanh như đất, nước, không khí, sinh vật… đồng thời gây nguy cơ cháy nổ. Do đó, Công ty đã mua bốn loại bảo hiểm trách nhiệm công cộng và ô nhiễm môi trường cho toàn bộ hệ thống cửa hàng, kho cảng, đường ống. Đối tượng chi trả bảo hiểm bao gồm cộng đồng, cá nhân, chi phí xử lý ô nhiễm, thiệt hại tài sản… cho các bên thứ ba bị ảnh hưởng bởi sự cố. 

Quản lý sự cố 

Nhằm quản lý, hạn chế tối đa các sự cố rò rỉ khí và chất lỏng (chống tràn đổ), Petrolimex đã xây dựng hệ thống quy định, quy trình thực hiện và tiến hành bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cơ sở vật chất định kỳ, thường xuyên và đột xuất. Trong đó có thể kể đến Quy định về kiểm tra, bảo dưỡng đường ống kho xăng dầu (QĐ 286/PLX-QĐ-TGĐ); Quy định về kiểm tra, bảo dưỡng bể chứa xăng dầu (QĐ 755/PLX -QĐ-TGĐ). 

Trong giai đoạn 2018-2020, Công ty cũng hợp tác với Tổ chức hợp tác dầu khí Nhật bản (JCCP), Tập đoàn dầu khí ENEOS để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ trong việc thực hiện công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, nâng cao hiệu quả quản lý sự cố. 

Kết quả, hơn 200 cán bộ Petrolimex đã được học tập kinh nghiệm với các chuyên gia ENEOS. Tính đến tháng 8/2020, đã kiểm tra được 265 bể chứa xăng dầu, đo chiều dày đáy 75.000 điểm, chiều dày thành 4.400 điểm, chiều dày mái 10.800 điểm. Bình quân mỗi năm số bể được kiểm tra tăng 2,2 lần, số lần sửa chữa bể tăng 1,7 lần (so với trước khi áp dụng Quy định 755). Các đơn vị bắt đầu hình thành hệ thống hồ sơ thống kê số liệu kiểm tra bể chứa khoa học, nâng cao cấp độ an toàn trong quản lý khai thác bể chứa xăng dầu. Số lượng đường ống kiểm tra được 135km, đo độ dày 10.800 điểm.

Petrolimex đã xây dựng hệ thống quy định, quy trình thực hiện và tiến hành bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cơ sở vật chất định kỳ, thường xuyên và đột xuất. 

Lựa chọn nhà cung cấp uy tín cũng là phương pháp quản lý môi trường từ đầu nguồn. Nguồn hàng xăng dầu chủ yếu của Petrolimex là các nhà cung cấp trong nước gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, chiếm 62% tổng khối lượng sản phẩm. 38% khối lượng xăng dầu còn lại được nhập khẩu từ các nhà cung cấp như Trafigura, SK energy, Lukoil... Các nhà cung cấp của Công ty đều là các nhà cung cấp lớn, có các chính sách và tiêu chuẩn chặt chẽ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong hai năm qua, các nhà cung cấp này không để xảy ra các vi phạm pháp luật, các sự cố lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

Các phương pháp quản lý môi trường, quản lý sự cố chủ động, tích cực và được thực hành nghiêm túc đã giúp Petrolimex trở thành nhà cung cấp xăng dầu uy tín số một tại Việt Nam. Minh chứng là trong nhiều năm liên tiếp, Tập đoàn đã không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng nào. Các chỉ số kinh doanh từ năm trong khoảng 5 năm trở lại đều đạt mức tăng trưởng hai con số. Duy có năm 2020, báo cáo kết quả kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp cho thấy sự sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, hai năm vừa qua vẫn được đánh giá thành công xét từ những nỗ lực duy trì hoạt động xuyên suốt hệ thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

An Nhiên