Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 03:10 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần

07/03/2022

Chiều ngày 02/03/2022, Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam đã được diễn ra trực tuyến qua nền tảng Zoom, với sự tham dự của nhiều diễn giả trong và ngoài nước.
Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Liên minh chây Âu và các đối tác đồng hành. Tại hội nghị ông Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đồng thời là người điều hành hội nghị đã có bài phát biểu khai mạc hội thảo.
Phấn đấu 2025, một số tỉnh, thành phố không còn sử dụng rác thải nhựa một lần
Theo ông Thắng, Việt Nam trong những năm qua tiêu thụ lượng rác thải nhựa sử dụng một lần ngày càng cao. Năm 2019 lượng chất thải nhựa dùng một lần từ 156 triệu tấn tăng lên 353 triệu tấn. Trong đó chỉ có 9% rác thải được sử dụng để tái chế sản phẩm khác, 19% được đốt, 55% nằm lộ thiên hoặc chôn lấp, còn lại 17% không thể kiểm soát được. Đến năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng rác thải nhựa dùng 1 lần có sự giảm đi, tuy nhiên chỉ ở mức giảm 2,2%. Ông Thắng cũng nhấn mạnh, hội thảo chính là cơ hội chia sẻ, hợp tác, đánh giá, học hỏi kinh nghiệm giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa một lần từ các nước EU như Đức, Pháp. Đồng thời tiến tới năm 2025, sẽ không sử dụng túi một lần tại một số thành phố lớn và phấn đấu sau năm 2030 sẽ áp dụng trên diện rộng đối với các tỉnh, thành phố khác.
Tại hội thảo Bà Nguyễn Thu Trang – Đại diện Trung tâm phát triển xanh Việt Nam, đã có những chia sẻ về thực trạng sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Theo đó, bà Trang đã chia sẻ về những khảo sát của mình trên các doanh nghiệp cũng như người dân về mức độ sử dụng túi nhựa một lần. Nghiên cứu cho thấy trung bình một ngày, siêu thi nhỏ và vừa có thể sử dụng tới gần 1500 túi linon sử dụng 1 lần, và con số này trên địa bàn Hà Nội trung bình là 1 tấn/ngày. Có đến 70% các doanh nghiệp, siêu thị  được hỏi đồng ý với việc không sử dụng túi một lần miễn phí cho người mua, đồng thời gần 30% ý kiến được hỏi cho rằng, sẽ thay thế bằng các loại  túi thân thiện với môi trường và có tính phí người dân. Kết quả cũng cho thấy trung bình mỗi đơn vị siêu thị, một tháng phải chi trả hơn 30 triệu đồng tiền mua túi linon sử dụng một lần để đựng đồ cho khách. 
Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cho rằng: Để giải quyết bài toán túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần Việt Nam sẽ cần một chiến lược dài hạn và đồng bộ từ các cấp, ban ngành đặc biệt là từ các doanh nghiệp, siêu thị, người dân Việt Nam.
Đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ, bà Elena Rabbow đã có bài tham luận về các dự án thí điểm "Suy nghĩ lại về nhựa". Theo bà, dự án hỗ trợ triển khai Chiến lược nhựa của Liên minh châu Âu trên phạm vi quốc tế tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Dự án được triển khai trên các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... từ năm 2019 đến hiện tại. Thông qua việc tăng cường hợp tác giữa EU và các quốc gia trong khu vực về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải đại dương. Dự án tập trung vào vào việc chuyển đổi sang hướng sản xuất và tiêu dùng nhựa một cách bền vững, từ đó góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rác thải đại dương khi áp dụng cách tiếp cận, chính sách và mô hình của EU. 
 Ông Mathias Gustavson, đại diện IVL chia sẻ về những hướng đi  thành công của EU trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần
Tại Châu Âu, nhiều sáng kiến sản xuất sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đã ra đời và được áp dụng thành công. Ông Mathias Gustavson, đại diện IVL chia sẻ về những hướng đi của EU như Thụy Điển, Đức, ngoài ra một số quốc gia khác ngoài EU như Costa rica, Ấn Độ... Đồng thời, ông cũng đưa ra nhiều giải pháp thay thế cho việc sử dụng rác thải nhựa một lần như : Sử dụng túi nilon phân hủy sinh học, Các vật liệu dùng một lần khác như giấy, gỗ, bìa catton, và sử dụng một số loại nhựa có thể tái sử dụng.
Hội thảo lần này nhằm tìm kiếm các giải pháp thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam. Đồng thời giúp kết nối nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong việc cung cấp các sản phẩm này. Hội thảo cũng là cơ hội để thảo luận về các lựa chọn chính sách thúc đẩy kinh tế tiêu dùng một cách bền vững
Mạnh Lê