Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 01:54 GMT+7

Điển hình

Bình Dương thúc đẩy sản xuất bền vững để thích ứng với tình hình mới

14/12/2021

Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển công nghiệp, hạn chế phát thải ô nhiễm ra môi trường, đồng thời giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp giảm chi phí sản xuất, thời gian qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã triển khai nhiều nội dung giúp DN nâng cao nhận thức, áp dụng hiệu quả các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), qua đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, một đơn vị đi đầu trong cải tiến quá trình sản xuất
Chuyển biến tốt
Thời gian qua, thông qua các phương thức hỗ trợ DN thực hiện quy trình SXSH, ngành công thương Bình Dương đã xây dựng và đưa ra được nhiều giải pháp tuyên truyền hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho DN và các cơ quan, cán bộ quản lý trong tỉnh về chương trình SXSH song song với tuyên truyền lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, góp phần giảm nguyên vật liệu đầu vào, giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và quan trọng hơn là giảm phát thải ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên ngành về SXSH và tiết kiệm năng lượng cho cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực liên quan, nhân viên kỹ thuật của cơ quan Nhà nước và DN; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho đại diện các DN giúp họ mạnh dạn hợp tác để đánh giá hiện trạng, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp sản xuất sạch thành công tại đơn vị mình. Xây dựng chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bình Dương; hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho DN đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm… tạo sự chuyển biến tốt trong cộng đồng DN.
Nhờ đó, nhiều DN tiến tới áp dụng các giải pháp SXSH vào quy trình sản xuất, mạnh dạn đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, từ đó tiết kiệm nguyên nhiên liệu và cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, được sự hỗ trợ nguồn vốn khuyến công địa phương, nhiều DN, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư hệ thống, thiết bị hiện đại giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, giảm phát thải ô nhiễm ra môi trường.
Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, công ty được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tư vấn, hướng dẫn các giải pháp SXSH phù hợp với quy mô DN, với chi phí đầu tư ít. Trên cơ sở đó, công ty đã xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải một cách có hệ thống, đổi mới và cải tiến công nghệ theo hướng tốt hơn và sạch hơn...
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan và sự tham gia tích cực của DN ở Bình Dương, chương trình SXSH đã nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách lĩnh vực liên quan và cộng đồng DN về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong sản xuất công nghiệp. Chương trình SXSH thực hiện đánh giá nhanh, đánh giá chi tiết SXSH đã mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Ông Dũng cho biết thêm, nhờ thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác tuyên truyền và triển khai nhiều hoạt động thiết thực về SXSH nên đến nay, hầu hết các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận biết được ý nghĩa, lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Có khoảng 25% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH đã thực hiện các bước SXSH và đã tiết kiệm được 5 - 15% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm.
Lợi ích kép
Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 DN, vì thế tiềm năng áp dụng SXSH là rất lớn. Các DN thực hiện SXSH sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ví dụ như ISO14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái. Việc thực hiện đánh giá SXSH cũng sẽ giúp cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như ISO 14001 dễ dàng hơn. SXSH có thể áp dụng cho mọi quy mô DN không đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền. Bên cạnh đó, sản xuất sạch cũng không khó thực hiện chỉ cần DN cam kết quyết tâm và sự tham gia của mọi cấp, mọi bộ phận và mọi người trong DN; gắn hoạt động sản xuất sạch hơn với công tác điều hành tác nghiệp trong DN. Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, khi DN đã có những nỗ lực nhận thức về SXSH, DN đó sẽ có thể mở ra nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, một đơn vị đi đầu trong cải tiến quá trình sản xuất, cho biết nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ ngày; xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000 kVA; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày. Đặc biệt, đối với phần rác thải không thể tái chế thì vẫn có thể tận dụng bằng cách thu gom khí để tạo ra hệ thống máy phát điện với công suất lên tới 2.000kVA. Nhờ đầu tư, nâng cao công nghệ, cải tiến kỹ thuật xử lý rác làm nhiên liệu vận hành nhà máy điện đã góp phần tăng công suất, sản lượng điện từ xử lý rác thải mỗi năm. Cụ thể, năm 2018 tổng công suất phát điện đạt 9,1 triệu kVA, tương đương số tiền tiết kiệm 15,3 tỷ đồng. Năm 2019, tổng công suất phát điện 11,4 triệu kVA, tương đương số tiền tiết kiệm được 19,9 tỷ đồng.
Ông Ngô Chí Thắng khẳng định, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời hội nhập, bên cạnh việc đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, lãnh đạo công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các tiêu chuẩn để bảo đảm toàn bộ hoạt động của công ty luôn được kiểm soát và không ngừng cải tiến. Trước khi lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất, Biwase đã chuẩn bị sẵn đội ngũ kỹ sư có năng lực đảm nhận vừa vận hành dây chuyền vừa nghiên cứu phương pháp sản xuất, thay thế thiết bị tại chỗ nhằm giảm giá thành đầu tư; đồng thời, chủ động khắc phục khi xảy ra hỏng hóc... Đến nay, Biwase đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và tự sản xuất, lắp đặt, vận hành nhà máy; kể cả việc sản xuất các robot đa năng trong việc ủ trộn, tuyển và phân loại rác thải...
Trong giai đoạn 2021-2030, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ tập trung thực thiện tốt mục tiêu thứ 12 trong phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giảm thêm 5 - 10% tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; sẽ xây dựng thành công 20 - 30 mô hình về sản xuất bền vững và phổ biến nhân rộng mô hình; 85 - 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, 80 - 100% tỉnh, thành Trung ương tuyên truyền phổ biến về tiêu dùng bền vững; 70 - 100% khu, cụm công nghiệp được phổ biến nâng cao về SXSH và tiêu dùng bền vững (SCP), 70 - 90% tỉnh, thành xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép vào các chương trình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn Báo Bình Dương