Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:17 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Sản xuất thực phẩm giá trị cao từ phụ phẩm cá tra

18/11/2021

“Dự án Hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra" được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá mang lại giá trị lớn cho ngành chăn nuôi cá tra, cá ba sa. 

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, chế biến cá tra

Ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sản lượng cá tra ở Việt Nam khoảng 1,45 triệu tấn/năm. Giá trị xuất khẩu khoảng 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm chế biến cá tra ở dạng thô, tức là lọc phần phi-lê cấp đông và bán. Sản phẩm chế biến sâu cho giá trị gia tăng cao như collagen, tinh dầu cá, bột đạm… chưa phải là thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến.  

Bên cạnh đó, việc loại thải một khối lượng lớn các thành phần của con cá, từ mỡ, xương… là sự lãng phí nguyên liệu lớn, đồng thời cũng gây áp lực lên môi trường. Riêng mỡ loại thải từ loài cá này, các cơ sở sản xuất quanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thải ra tới 1,2 triệu tấn/năm. 

Theo các chuyên gia thì Việt Nam có điều kiện thuận lợi để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao từ phụ phẩm cá tra. Riêng với mỡ cá, nếu áp dụng công nghệ hiện đại có thể sản xuất các loại sản phẩm chất lượng cao như dầu ăn chất lượng cao, dầu cá, shortening và margarine - các sản phẩm thực phẩm rất phổ biến.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao từ phụ phẩm cá tra.

Từ năm 2013, doanh nghiệp nội địa là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đã được chuyển giao công nghệ tinh luyện dầu cá từ Tập đoàn Desmet (Bỉ). Các sản phẩm dầu cá từ nhà máy của doanh nghiệp có chất lượng tốt, chỉ số DHA, Omeaga 3-6-9, Iod cao, không acid no, được đánh giá tương đương với sản phẩm ngoại nhập. 

Tuy nhiên, công nghệ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như không thể lọc ra dầu có điểm mờ (Cp), điểm nóng chảy (Mp) thấp bị kết tinh khi nhiệt độ nhỏ hơn 18 độ C, không thu hồi triệt để acid béo tự do, khử mùi tanh chưa triệt để... 

Để khắc phục các nhược điểm của công nghệ hiện hành và đa dạng hóa sản phẩm từ mỡ cá tra, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra”. Dự án thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Công nghệ hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao

Dây chuyền công nghệ của nhà máy.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai cho biết công nghệ mới dựa trên phương pháp làm lạnh kết tinh dầu. Dầu lỏng và đặc được tách ra thành hai phần riêng biệt. Dầu sau đó được xử lý trong môi trường chân không tuyệt đối, áp suất chân không để loại bỏ mùi tanh và không bị cháy. Dầu lỏng được đóng chai, phân phối ra thị trường dưới dạng dầu ăn mang thương hiệu Ranee. Dầu đặc (stearin) được dùng để sản xuất shortening, margarine.

Ưu điểm của dầu ăn từ mỡ cá tra và cá basa là các axit béo không no chiếm tỷ lệ tới 80%, ít axit béo no và cholesterol xấu. “Dầu ăn từ mỡ cá có nhiều ưu điểm mà dầu thực vật không có như giá trị dinh dưỡng cao, nhiệt độ sôi cao, ít biến tính khi chiên nấu và giàu axit béo không no”, ông Thành cho biết. 

Qua thực hiện dự án, các quy trình công nghệ, cải tiến hệ thống thiết bị sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra quy mô 50 tấn/ngày và các thiết bị, công nghệ liên quan khác đã được hoàn thiện. Sản phẩm của công nghệ là dầu ăn, shortening và margarine chất lượng cao, đạt các chỉ tiêu ATTP, khử được 100% mùi tanh. 

Dây chuyền đóng chai dầu lỏng.

Theo PGS.TS Lê Đức Mạnh, Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) nhờ áp dụng công nghệ cao, sục nhiệt độ chân không hút mùi tanh, dầu đảm bảo chất lượng cao, không tanh, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Việc thay đổi tác nhân lạnh tách pha dầu, dầu thành phẩm trong, không lắng cặn. Hiệu suất thu hồi dầu nâng lên 60% (công nghệ cũ là 56%), đem lại hiệu quả kinh tế cao khi áp dụng quy mô công nghiệp. 

Ngoài ra, công nghệ vi sinh vật đã được ứng dụng để khử mùi tanh trong sản xuất shortening, margarine. Chất lượng sản phẩm tương đương với các sản phẩm khác trên thị trường. Được biết, 30% cá tra, ba sa là mỡ. Nếu không có công nghệ, chỉ sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi. Chế biến sâu đã góp phần giải quyết cả bài toán môi trường và hiệu quả kinh tế. 

Sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang các thị trường như Dubai, Singapore, Hàn Quốc… Doanh thu từ dầu cá đạt 790 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với trước khi đổi mới công nghệ. Nhà máy tinh luyện hoạt động gần như 100% công suất.

Hiện tại doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng nhà máy tinh luyện dầu thứ 2 công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày dự kiến hoàn thành trong thời gian ngắn tới. Việc áp dụng dây chuyền công nghệ tinh luyện dầu ăn sau khi được hoàn thiện đã nâng giá trị của con cá tra lên khoảng 4,7% sau chế biến.

An Nhiên