Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:03 GMT+7

Sản xuất bền vững

Cần tiếp thêm lực cho hợp tác xã đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số

12/11/2021

Sự nhanh nhạy của người làm kinh tế nông thôn

Công nghệ số đã chứng minh sức mạnh của mình ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong bối cảnh các kênh tiếp thị, phân phối truyền thống bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thương mại điện tử (TMĐT) được xem là cứu cánh cho nhiều hợp tác xã (HTX).

Điển hình, HTX Nông sản sạch Thành Nhàn (Hải Dương) chuyên sản xuất, kinh doanh bột sắn dây. Từ thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, ông Bùi Văn Thành, Giám đốc HTX đã nhận thấy hàng hóa tiêu thụ bắt đầu chậm lại. Ông cùng các xã viên họp bàn và quyết định đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. 

Sau hai tháng mở bán trên các kênh Viettel post, Lazada... sản phẩm bột sắn dây của HTX đã được nhiều người tiêu dùng biết tới. Tiêu thụ sản phẩm do đó cũng thuận lợi hơn, hàng hóa không bị tồn đọng, sản xuất vẫn duy trì. 

HTX Thành Nhàn đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên các kênh TMĐT. Ảnh: Báo Hải Dương.

"Hiện nay, nhiều đơn hàng của chúng tôi đều được thực hiện qua Zalo, Facebook, Lazada… khách hàng chỉ việc lên đơn số lượng, địa chỉ và lựa chọn phương thức vận chuyển, thanh toán. Nhờ vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX vẫn diễn ra tương đối thuận lợi”, ông Thành cho biết. 

Sau vài tháng phát triển kinh doanh TMĐT, nhận thấy rõ xu hướng ưa thích sự tiện lợi của người tiêu dùng online, đơn vị đang liên kết với một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở Hà Nội để đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiện HTX đã có thêm các sản phẩm dạng gói nhỏ, pha sẵn tiện dụng và kết hợp thêm hương vị sữa dừa, hoa đậu biếc, chanh leo… 

Tương tự, HTX Chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (Bắc Giang) đã coi TMĐT là một trong những kênh tiếp thị quan trọng. Được biết, HTX là một trong những điển hình nhanh nhạy nắm bắt thị trường, xây dựng kế hoạch xuất phù hợp. 

Từ năm 2018, nhận thấy mối quan tâm về thực phẩm sạch, an toàn và thực phẩm hữu cơ của người dân ngày càng tăng, HTX chủ động hợp đồng với đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi từ nguồn thực phẩm hữu cơ. Đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng, áp dụng quy trình giết mổ tập trung, đóng gói hút chân không và bảo quản lạnh ngay sau khi giết mổ. 

Tiếp đó, để xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch 3S, HTX Tín Nhiệm đã đăng ký sở hữu trí tuệ. Đây là bước đi khôn ngoan trong việc “nâng cấp” hình ảnh giá trị thương hiệu. Từ đây, các sản phẩm của đơn vị cung cấp cho hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại Bắc Giang và các tỉnh lân cận chính thức mang thương hiệu gắn liền với cái tên HTX Tín Nhiệm. Cũng nhờ khách hàng đã quen với thương hiệu, nên khi sản phẩm lên các sàn TMĐT không tốn nhiều công tiếp thị.  

HTX Tín Nhiệm là một trong những điểm sáng về nhanh nhạy nắm bắt xu thế thị trường, kinh doanh bài bản. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX cho biết trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, doanh thu của đơn vị vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Theo ông, dịch bệnh là thử thách cũng là cơ hội để mạnh dạn “lên sàn”. “Đây là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp, tiểu thương ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp”, ông Niệm chia sẻ. 

Bình quân mỗi tháng HTX cung ứng khoảng 5 tấn sản phẩm từ thịt lợn ra thị trường, từ thịt tươi đến các loại thịt chế biến như xúc xích, giò lợn… 

Vai trò của các liên minh HTX, trung tâm xúc tiến thương mại

Có thể nói trong quá trình tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là kinh doanh trên môi trường số của các HTX, vai trò của các liên HTX, ngành công thương địa phương rất quan trọng. 

Một trong những khó khăn cho HTX khi đưa sản phẩm lên môi trường kinh doanh online là vấn đề thương hiệu. Với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và có chiến lược kinh doanh bài bản thì việc này không quá xa lạ. Nhưng không phải HTX nào cũng có điều kiện thuận lợi như vậy. Trong khi TMĐT là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, đơn vị không có phương án tiếp thị, xây dựng hình ảnh tốt sẽ rất khó đi đường dài. 

Vì vậy, để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương trên TMĐT, liên minh HTX, Sở Công Thương địa phương đã dành nhiều công sức giúp các HTX nâng cao năng lực tiếp thị. Các hoạt động cụ thể bao gồm, hỗ trợ kinh phí và tổ chức giúp các HTX tham gia hội chợ; hướng dẫn đăng ký mã số, mã vạch quốc gia, xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh. 

Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương vừa qua, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên ngành, các đơn vị vận hành TMĐT để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương. 

Chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã giúp người nông dân Bắc Giang bán hơn 9.000 tấn vải thiều qua các sàn TMĐT.

Điển hình, Sở Công Thương Bắc Giang, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đã phối hợp với cơ quan liên ngành tổ chức hỗ trợ 15 HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để chuyển đối số và kinh doanh TMĐT. Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết “Nội dung hỗ trợ gồm xây dựng website, hệ thống email, fanpage, thiết kế gian hàng online, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT”. Mỗi HTX cũng được hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng để thực hiện một số hoạt động chuyển đổi số. 

Kết quả trong thời gian ngắn nông sản, đặc sản Bắc Giang, đã gây tiếng vang lớn trên các sàn TMĐT. Hơn 9.000 tấn vải thiều được tiêu thụ qua chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang với hơn 1 triệu đơn hàng từ San24h.vn, Sendo.vn. Voso.vn và sàn Alibaba.com...

Cần tiếp thêm lực để đi xa

Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua nhiều HTX đã tận dụng khá tốt các cơ hội TMĐT mang lại. Không hiếm các HTX đã xây dựng website, gian hàng online trên nhiều sàn TMĐT, fanpage… để quảng bá, giới thiệu và bán hàng. Theo thống kê từ Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hiện có 47,4% hợp tác xã thay đổi phương thức kinh doanh, như kết hợp bán hàng trực tiếp kèm online và giao hàng tận nơi.

Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động mới dừng lại ở bán hàng đơn thuần, đa phần chưa có chiến lược kinh doanh online bài bản, chưa biết cách tận dụng sâu các lợi thế của hệ sinh thái online, như logistic, thanh toán trực tuyến…

Ngoài ra, người tiêu dùng có những yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã. Vì vậy để trụ vững trên môi trường kinh doanh số ngoài các yếu tố thẩm mỹ, thương hiệu, đơn vị còn phải đảm bảo các yếu tố như tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… Để thực hiện những hoạt động này đều cần đầu tư bài bản, nhân sự chất lượng. 

Theo đánh giá của ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam), thì đa phần trình độ nhân sự, đặc biệt là nhân sự cho các hoạt động TMĐT của HTX còn thiếu hoặc chưa có. Trong khi đó sản phẩm của các HTX đa phần là hàng nông sản (với 16.520 HTX nông nghiệp/25.454 HTX) có những yêu cầu rất đặc thù về sản xuất, sơ chế, vận chuyển mới có thể đưa lên sàn TMĐT.  

Ông Vũ Quang Phong nhận định, để sản phẩm của các HTX có thể tiếp cận thị trường một cách thuận lợi cần sự đồng hành của chính quyền địa phương, các cấp, ngành. “Các phương án cụ thể như hỗ trợ về kinh phí, về khoa học kỹ thuật, nhân lực và nhất việc HTX tiếp cận được các sàn giao dịch thương mại điện tử là điều vô cùng quan trọng”, ông Phong cho biết.

Mặt khác, theo ông Phong, các HTX cũng cần tự mở đường cho mình bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh, như đa dạng hoá sản phẩm, sản xuất sản phẩm đạt chuẩn, chủ động đăng ký thương hiệu... Với các vấn đề kỹ thuật, như sơ chế và chế biến sâu, có thể tính đến phương án liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học kỹ thuật để đa dạng hoá sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Có như vậy con đường thương mại điện tử mới lâu bền. 

An Nhiên