Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:33 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới sản xuất “xanh” và bền vững

12/11/2021

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới về sản xuất xi măng và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu về mặt hàng này. Tuy nhiên, sản xuất xi măng theo công nghệ thủ công tạo ra nhiều khí thải CO2, CO, Nox, Sox… đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Do vậy, để hướng tới một nền sản xuất “xanh” và bền vững, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm phát thải nhà kính, cũng như xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.
Ngành Xi măng đang hướng tới nền công nghiệp sản xuất “xanh” và bền vững
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 84 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt trên 101 triệu tấn/năm. Trong đó, 27 dây chuyền có công suất trên 5.000 tấn clinker/ngày là những dây chuyền hiện đại và đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, còn đó một số dây chuyền sản xuất xi măng với công suất nhỏ từ 500 – 1.700 tấn clinker/ngày được đầu tư lâu đời với công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Do vậy, việc nung luyện clinker, nghiền xi măng của những nhà máy này vẫn tạo ra nhiều bụi, tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 mà Chính phủ mới phê duyệt, với trọng tâm là sẽ phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng; Áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng; Giảm phát thải khí nhà kính; Gắn sản xuất vật liệu xây dựng với xử lý rác thải và bảo vệ môi trường… Trước những định hướng đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã và đang đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm phát thải nhà kính, cũng như xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.
Tại nước ta, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) là một trong những doanh nghiệp tiên phong về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tối ưu hóa sản xuất và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các nhà máy của VICEM như: VICEM Hải Phòng, VICEM Bỉm Sơn, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, Xi măng VICEM Hoàng Mai… đã và đang triển khai rất tốt các giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu và hướng tới một nền sản xuất xi măng “xanh”, phát triển bền vững.
Điển hình như tại VICEM Hoàng Thạch, “Sản xuất xanh, bền vững” luôn là điều mà Công ty hướng tới trong những năm qua. Hiện, VICEM Hoàng Thạch đang là một trong những đơn vị sản xuất xi măng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:1996. Công ty luôn cân đối hài hòa bài toán kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Theo đó, cùng với việc lắp đặt 136 hệ thống lọc bụi tay áo, 11 lọc bụi tĩnh điện, VICEM Hoàng Thạch còn đẩy mạnh sáng tạo trong sản xuất. Các đề tài, sáng kiến phải gắn với bảo vệ môi trường như: Xử lý bụi phát sinh bằng hệ thống phun sương dập bụi tại khu vực xuất clinker cảng 23 để đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xử lý bụi phát sinh tại các cửa rút clinker silo W1L02-HT1, W2L20-HT2… Riêng trong giai đoạn 2018 – 2020, VICEM Hoàng Thạch đã đầu tư, nâng cấp các lọc bụi tĩnh điện nhằm đảm bảo hàm lượng bụi phát thải nhỏ hơn 30mg/m3 khí tiêu chuẩn…
Còn tại VICEM Hải Phòng, doanh nghiệp này đang ứng dụng gần 40 đề tài cải tiến nhằm giảm nhiệt thải ra môi trường; Nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu thay thế như: Tro xỉ, thạch cao nhân tạo từ 13% lên 15%. Đồng thời, tập trung xử lý các nút thắt về công nghệ như tổn thất nhiệt hệ thống lò nung; Triệt để giảm tốc và vành răng của máy nghiền xi măng, cũng như các lỗi về máy; Lắp đặt hệ thống giám sát trực tuyến phân tính chất lượng than cám và các biện pháp áp dụng công nghệ quản lý than cám…
Đối với VICEM Hà Tiên, tôn chỉ trong kinh doanh của doanh nghiệp này trong suốt những năm qua là “Sản xuất không đánh đổi môi trường”. Để làm được điều đó, VICEM Hà Tiên đã xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý tích hợp theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 50001, OHSAS 18001. Điều này đã giúp kiểm soát nghiêm ngặt quá trình hoạt động sản xuất, đảm bảo mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều đạt chất lượng cao, có mức tiêu hao năng lượng và phát thải ra môi trường thấp nhất.
Tại VICEM Bút Sơn, đến nay Công ty đã áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất xi măng như ISO 14000; OHSA; Kiểm định 100% máy móc thiết bị. Cùng với đó, VICEM Bút Sơn cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp hệ thống máy móc thiết bị, lắp đặt thêm các lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi tay áo, hệ thống phân tích khí, cải tiến và thay mới vòi đốt… Ngoài ra, Công ty còn đầu tư các thiết bị chuyên dụng như: Xe hút bụi, xe quét rác; Cải tạo trồng mới hàng trăm cây xanh khu vực quanh nhà máy; Thực hiện tốt quy định về thu gom và xử lý rác thải; Triển khai các biện pháp kỹ thuật trong khai thác đá vôi an toàn, tránh ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng.
Có thể khẳng định, với định hướng sản xuất xanh và phát triển bền vững, cùng với sự đi đầu về áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm tối ưu hóa sản xuất và bảo vệ môi trường, ngành Xi măng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, hướng tới một nền sản xuất “xanh”, phát triển bền vững.
Theo: Công nghiệp và Tiêu dùng