Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế carbon thấp
04/11/2021
Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Từ rất sớm, Đảng và Nhà nước đã có những hành động nhằm xác định hướng đi phù hợp để đối phó với những hệ lụy của vấn đề.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế Việt Nam
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Đặc điểm địa hình đất nước dài và hẹp với đường bờ biển dài 3.200km, vùng duyên hải là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Đây là nơi cư ngụ của hơn 74% dân số, đóng góp 80% sản lượng hàng thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là nơi chịu tác động tiêu cực của hiện tượng nước biển dâng. Theo dự đoán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, các khu vực dọc bờ biển Việt Nam có thể chịu mực nước biển dâng đến một mét.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu đã nêu, đến năm 2030 khả năng 39% diện tích vùng ĐBSCL và 17% diện tích đất vùng ĐB sông Hồng sẽ bị ngập nặng.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung ở những vùng đất thấp, đóng góp 24% GDP, 30% lượng hàng xuất khẩu. Tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng tại các vùng đồng bằng những năm gần đây ngày càng nặng nề cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu đã nêu, đến năm 2030 khả năng 39% diện tích vùng ĐBSCL và 17% diện tích đất vùng ĐB sông Hồng sẽ bị ngập nặng. Thêm vào đó, lưu lượng nước mùa khô chảy vào vùng ĐBSCL được dự đoán sẽ giảm từ 2-4% trong vòng năm thập kỷ tới. Ước tính khoảng 40.000ha đất ĐBSCL đứng trước nguy cơ “khát nước” nghiêm trọng.
Các kịch bản của biến đổi khí hậu cho thấy nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, an ninh lương thực và các cơ hội phát triển kinh tế. Theo tính toán của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các hình thái thiên tai đã gây thiệt hại 100.000 ha lúa và hoa màu. Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo vào cuối thế kỷ này, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 12% dân số và làm giảm 10% tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Hành động của Chính phủ
Từ rất sớm Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những hành động nhằm xác định hướng đi phù hợp để đối phó với những hệ lụy của biến đổi khí hậu. Nỗ lực gần đây nhất của Chính phủ bao gồm việc ban hành Kế hoạch thích ứng quốc gia với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt ngày 20/7/2020. Theo đó, Kế hoạch có mục tiêu giảm thiểu tính dễ tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái, thúc đẩy lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện. Cụ thể, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng thích ứng với BĐKH, giảm phát thải.
Riêng đối với khu vực kinh tế trọng yếu phía Nam, để hỗ trợ liên khu vực TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL một cách toàn diện, nhất quán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là văn kiện được đánh giá mang tính bước ngoặt trong lộ trình phát triển của vùng theo định hướng “thuận thiên”, coi tài nguyên là yếu tố cốt lõi, con người là trung tâm, tận dụng những điều kiện tự nhiên để phát triển và hạn chế can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhiên.
Lần đầu tiên tổ chức quy hoạch tổng thể vùng với một tầm nhìn và tư duy mới; đồng thời hình thành Hội đồng điều phối Vùng để các lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cùng thống nhất hành động. Thông qua tinh thần Nghị quyết 120, các nguồn lực dành cho ĐBSCL cũng được nâng lên. Theo thông tin từ cuộc họp Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì ngày 03/11, Chính phủ dự kiến tiếp thêm nguồn lực khoảng 2 tỷ USD để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, nhằm thực hiện các quy hoạch và mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng ĐBSCL.
Cam kết với cộng đồng quốc tế
Trong lộ trình ứng phó với biến đổi khí hậu, không thể không nhắc tới các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Kể từ khi ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các hành động cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi kinh tế carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu nói chung. Theo số liệu được công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân sách cho biến đổi khí hậu chiếm khoảng 20% ngân sách đầu tư và chi thường xuyên của các Bộ, các chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong lĩnh vực tạo ra nhiều phát thải nhất trong cơ cấu nền kinh tế là năng lượng, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Đây là cơ sở tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong những năm qua. Tính đến hết tháng 6/2021, theo thống kê của EVN, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 11,4% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW), Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được tiếp tục với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ toàn quốc giai đoạn 2019 - 2030. Trong các giai đoạn trước đó, Chương trình đã giúp tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, khoảng 1,39 triệu TOE. Tức là giảm khoảng 1,5% tổng lượng điện tiêu thụ hàng năm.
Theo thống kê, sản lượng các nguồn năng lượng tái tạo đạt 11,4% tổng sản lượng năng lượng toàn hệ thống. Các hoạt động tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giúp giảm khoảng 1,5% tổng lượng điện tiêu thụ hàng năm.
Những lĩnh vực tạo phát thải lớn khác như nông nghiệp và công nghiệp cũng được định hướng tập trung cho các hoạt động nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết 120/NQ-TTg định hướng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng cường khoa học công nghệ vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Theo đó, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL theo thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo; bên cạnh đó tăng cường tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác trong cơ cấu sản xuất thủy sản.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, theo tin thần của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg) và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg), Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ra đời. Đây là cơ sở để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đề ra, với ưu tiên cụ thể của Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Chương trình cơ bản hoàn thành 5/17 mục tiêu trọng tâm, bao gồm: nâng tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất áp dụng tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; thí điểm, dần mở rộng đổi mới sinh thái doanh nghiệp, khu công nghiệp, và cụm công nghiệp; áp dụng chứng nhận phân phối xanh; phát triển, mở rộng chuỗi cung ứng bền vững cho một số sản phẩm chính trong nền kinh tế; tăng cường năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn đáp ứng yêu triển bền vững của chuỗi cung ứng; thúc đẩy nhận thức và hành động về tiêu dùng bền vững trong cộng đồng; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao tỷ lệ tái chế, giảm sử dụng nhựa dùng một lần; và tăng cường tỷ lệ thu hồi, tái chế chất thải rắn công nghiệp.
Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đối với lĩnh vực chất thải, dự tính sẽ tạo ra lượng phát thải gấp đôi lên khoảng 48 triệu tấn CO2 trong 10 năm tới, hiện đang được tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khuyến khích đầu tư để tăng cường hiệu quả quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp, chất thải rắn và chất thải độc hại. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, sẽ áp dụng những quy định mới liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế; quy định chặt chẽ hơn liên quan đến quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Những kết quả sơ bộ trên phần nào khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc hướng đến một nền kinh tế ít phát thải; đồng thời cũng thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Theo cam kết mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, Việt Nam giữ quan điểm đồng hành cùng cộng đồng thế giới trong mục tiêu kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, đồng thời đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là mục tiêu tham vọng. Với sự nỗ lực cao của Chính phủ, sự đồng lòng của các thành phần kinh tế, người dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giới quan sát tin tưởng Việt Nam sẽ tìm ra lộ trình phù hợp để đạt được mục tiêu này.
An Nhiên