Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hầu hết các đơn vị đều đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng những giải pháp quản trị doanh nghiệp, quản trị tốt giá thành, đến nay Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng không những ổn định sản xuất mà còn đảm bảo các tiêu chí về môi trường.
Ông Vũ Minh Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cho biết, quan điểm của Ban lãnh đạo công ty rất coi trọng việc phục hồi, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và coi đây là một trong những mục tiêu hàng đầu. Công ty xác định trong quá trình khai thác quặng Bauxite, ngoài tác dụng tích cực cũng sẽ có một số tác động tiêu cực đối với môi trường như phát sinh bụi, xuất hiện hiện tượng xói lở đất khi trời mưa trên các diện tích đã bóc phủ, quá trình khai thác bóc đi lớp thảm thực vật bên trên mặt đất…Từ nhận định trên, công ty đã tổ chức các giải pháp thường xuyên như tưới nước dập bụi; hàng năm thi công các tuyến mương dẫn thoát nước trong khu vực khai thác mỏ, các hồ lắng bùn tránh xói lở, trôi bùn đất ra khu vực xung quanh.
Toàn cảnh nhà máy Nhôm Lâm Đồng
Bên cạnh đó, để kiểm soát nguồn nước thải từ nhà máy Alumin, Công ty đã đầu tư thêm hệ thống cánh phai 2 cấp ở độ sâu 15 m, liên động với các đầu đo pH để tự động phát hiện và kịp thời đóng tất cả nguồn nước có dấu hiệu vượt ngưỡng để xử lý đạt QCVN. Hệ thống cánh phai 2 cấp còn có trạm hiệu chỉnh pH online ở điểm cuối cùng của hệ thống thoát nước nhà máy Alumin để điều chỉnh độ pH của nguồn nước luôn đạt QCVN trước khi thoát ra môi trường. Ngoài ra, Công ty cũng đã đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động đúng theo quy định hiện hành cho hồ thải quặng đuôi với 5 thông số: lưu lượng, TSS, COD, pH và nhiệt độ.
Đối với nhà máy tuyển, toàn bộ nước thải được thu gom vào bể cô đặc để tuần hoàn tái sử dụng khoảng 83% nhằm giảm chi phí sản xuất và tránh tác động đến nguồn nước trong khu vực (phần còn lại sau khi bổ sung chất trợ lắng, được thải ra hồ thải quặng đuôi để lắng ngược đảm bảo đạt QCVN trước khi thải ra môi trường).
Ngoài ra, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc ống khói nhiệt điện, hệ thống quan trắc nước thải tại điểm xả thải số 3 và 4 nhằm mục đích giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất và hạn chế sự cố môi trường có thể xảy ra.
Về xử lý chất thải rắn, bên cạnh việc ký hợp đồng với đơn vị có chức năng và năng lực tương ứng để xử lý định kỳ thì Công ty cũng đầu tư bãi thải rắn công nghiệp để quản lý chất thải rắn công nghiệp phát sinh. Về khí thải, Công ty đã đầu tư cải tạo các hệ thống giám sát khí thải tại nguồn. Hệ thống quan trắc online đưa vào hoạt động giúp cho việc quan trắc khí thải từ nhà máy nhiệt điện và khí hóa than được xử lý qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện trở nên dễ dàng hơn.
Bề chứa bùn khi tuyển quặng. (Ảnh TTXVN)
Năm 2020, với những giải pháp ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường, Công ty Nhôm Lâm Đồng không để xảy ra sự cố về môi trường. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đều đánh giá cao ý thức và kết quả bảo vệ môi trường của Công ty. Trong năm 2020, Công ty đã hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo chuẩn ISO 14001:2015.
Theo kết quả quan trắc định kỳ theo quy định do Trung tâm Quan trắc môi trường và tài nguyên - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thực hiện, chất lượng nước thải, khí thải đều được đảm bảo trước khi thải ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, nước thải sản xuất qua hệ thống xử lý trước khi xả thải ra môi trường với các thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải đảm bảo không vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường không khí xung quanh khu vực sản xuất của Công ty đã được nâng cao rất nhiều trong năm 2020, do áp dụng các biện pháp duy trì và tăng cường tưới nước dập bụi, thay đổi hình thức xả bùn đỏ, hạn chế sự phát tán khí H2S tại Phân xưởng khí hóa than,...
Có thể nói rằng với phương châm sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường an toàn sẽ là kim chỉ nam cho Nhôm Lâm Đồng tiếp tục phát triển bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.