Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:53 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thúc đẩy thị trường bảo quản lạnh để phát huy thế mạnh nông sản

27/10/2021

Bảo quản lạnh đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên thị trường tiềm năng này thực tế chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát huy hết thế mạnh của nông sản Việt Nam. 

Cung chưa đủ cầu

Với những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nông sản Việt Nam được đánh giá cao và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Theo thông tin của Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản ước tính đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó nông sản đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%. 

Thị trường bảo quản lạnh được nhận định là cung chưa đủ cầu.

Nhiều thuận lợi sẵn có, nhưng bất cập cũng không ít. Thực tế cho thấy trong chuỗi cung ứng nông sản, bảo quản là một mắt xích vừa yếu vừa thiếu. Theo thống kê, tính đến nay cả nước có khoảng 50 kho lạnh đang hoạt động với công suất trên 700.000 pallet. Trong đó miền Nam có 38 kho lạnh, công suất trên 618.000 pallets; miền Trung có 1 kho lạnh, công suất 21.000 pallets; miền Bắc có 11 kho lạnh, công suất 54.780 pallets. Hiện một số kho lạnh đang được xây dựng, hoàn thiện và dự kiến sớm đi vào hoạt động trong năm 2022. 

Tuy nhiên nhận định chung là cung không đủ cầu. Thêm vào đó, các kho lạnh chủ yếu dành cho nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Tỷ lệ sản phẩm dành cho thị trường trong nước được tiếp cận với dịch vụ bảo quản lạnh chỉ chiếm con số khiêm tốn là 8,7%. 

Hệ thống hạ tầng bảo quản lạnh thiếu đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cho chuỗi cung ứng, cụ thể là hao hụt hàng hoá lớn và mất cân bằng cung cầu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tỷ lệ hao hụt rau của, trái cây của nước ta từ 10-50%. Tổn thất lương thực khoảng 10-15%. 

Ngoài ra, do khả năng bảo quản kém, hàng hóa cũng không thể đến được nhiều nơi khiến cung cầu mất cân bằng. Vấn đề càng nhìn thấy rõ trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Nhiều địa phương lúng túng trong trữ hàng khi hạ tầng logistic, bảo quản lạnh không đáp ứng được nhu cầu, khiến một lượng lớn nông sản phải bỏ đi khi vừa được thu hoạch. 

Hoàn thiện hệ sinh thái

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện tốt ở nhiều khu vực và sẵn sàng bước vào bình thường mới hứa hẹn sự phục hồi thị trường. Các báo cáo thị trường cũng dự đoán khu vực Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nóng trong chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu thời gian tới, với định giá tăng trưởng bình quân 12,5%/năm. 

Ví dụ cụ thể, từ giữa năm 2020, nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn đã hứa hẹn đầu tư vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng bảo quản lạnh. Trong đó, tập đoàn lớn nhất thế giới về chuỗi cung ứng lạnh Lineage Logistic tuyên bố sát nhập với Emergent Cold Việt Nam và Preferred Freezer (Tp. Hồ Chí Minh) nâng tổng hạ tầng trung tâm kho lạnh tại Việt Nam lên ba kho. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để đạt được hiệu quả tổng thể cần sự nâng cấp đồng bộ cả hệ thống. Đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng sản xuất - chế biến - bảo quản mới có thể phát huy tối đa thế mạnh của chuỗi cung ứng nông sản. 

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã mở hội nghị tham vấn “Đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025”. Theo nội dung công bố, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 1.600 tỷ đồng, tập trung xây dựng năm vùng nguyên liệu tập trung từ Bắc xuống Nam với tổng diện tích trên 158.300 ha. 

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, logistic đồng bộ và kho lạnh bảo quản cho các vùng nguyên liệu trọng điểm. Bên cạnh đó đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng về sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm đạt các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Đây được coi là hướng đi đúng đắn, tạo điểm tựa cho các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng mạnh dạn đầu tư bài bản hơn trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo quy mô công nghiệp. Đồng thời sẽ giải quyết bớt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chuẩn đã tồn tại bấy lâu. 

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, bên cạnh những chương trình lớn của Chính phủ, cần thêm những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đặc thù để khuyến khích khối tư nhân đầu tư hơn nữa vào các hoạt động logistic và bảo quản lạnh. Như vậy mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường.

An Nhiên