Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 00:50 GMT+7

Tin hoạt động

Phát thải toàn cầu bắt đầu cần giảm vào năm 2030

27/10/2021

Tổ chức Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) do Liên Hợp Quốc hỗ trợ vừa công bố một dự báo mới về chính sách khí hậu tăng cường trước năm 2025. Trong đó đưa ra quan điểm mới về giảm phát thải toàn cầu, giới hạn thời gian thực thi các chính sách khí hậu và cách thức thực hiện các cam kết giảm phát thải toàn cầu.
Dự báo của PRI chỉ ra rằng để đạt được mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 2 độ C là có thể thực hiện được nếu các nhà hoạch định chính sách xây dựng các kế hoạch phi carbon hóa quốc gia hiện tại với hành động chính sách quan trọng và thực tế.
PRI cho rằng phát thải toàn cầu đã đạt đỉnh vào giữa năm 2020.
Chương trình Ứng phó chính sách không thể thay đổi (IPR) trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), nhấn mạnh các hành động toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu vẫn chưa đủ. Nhưng Kịch bản chính sách dự báo toàn cầu của IPR (FPS) mới - đưa ra dự báo đáng tin cậy về các động thái chính sách có khả năng xảy ra và đánh giá tác động đối với nền kinh tế thực - cho thấy rằng việc thực thi chính sách khí hậu có thể sẽ tăng tốc đáng kể vào năm 2025.
Dựa trên dự báo mang tính ảnh hưởng cao năm 2019, một dự báo đã giúp thiết lập lại cách các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội và rủi ro đối với chính sách khí hậu, bản cập nhật FPS năm nay bao gồm 21 nền kinh tế lớn ở cấp độ chi tiết và cho thấy tổng lượng khí thải CO2 giảm 80% vào năm 2050, tạo ra một trong hai cơ hội giữ nhiệt độ toàn cầu ấm lên ở mức dưới 2 độ C (1,8 độ).
Việc giảm phát thải được thúc đẩy bởi việc thực thi các chính sách mạnh mẽ trong thập kỷ này đối với hệ thống năng lượng và quan trọng là thực phẩm và đất đai: Phát thải ngành năng lượng giảm 75%, từ khoảng 34 Gt (Gigatonne) CO2 vào năm 2020 xuống còn khoảng 9 Gt CO2 vào năm 2050; Phát thải trong lĩnh vực đất đai giảm 125%, từ khoảng 6 Gt CO2 vào năm 2020 xuống còn khoảng -1 Gt CO2 mỗi năm vào năm 2050, khiến đất đai trở thành một bể chứa CO2 ròng.
Nhưng trong đó sẽ có một độ trễ về thời gian trước khi các hiệu ứng đầy đủ được thực hiện. Lượng phát thải CO2 tuyệt đối được dự báo sẽ giảm nhẹ đến năm 2030, phù hợp với cam kết đóng góp do Quốc gia tự xác định (NDC) hiện tại của các quốc gia, trái ngược với thập kỷ trước khi lượng phát thải tăng 16%.
Theo ông Ashley Schulten - Trưởng bộ phận Đầu tư quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG), Thu nhập Cố định toàn cầu, Quỹ BlackRock: “BlackRock tin rằng rủi ro khí hậu là rủi ro đầu tư và việc đánh giá rủi ro khí hậu trên con đường dẫn đến phát thải ròng bằng không đòi hỏi các kịch bản đáng tin cậy, các kịch bản này không chỉ phác thảo những gì có khả năng xảy ra mà còn chỉ ra những gì có thể xảy ra. Các dự báo chính sách chi tiết trong báo cáo của PRI giúp thị trường hình thành khái niệm về những thay đổi quan trọng có thể xảy ra trong hệ thống năng lượng và đất đai trên toàn thế giới nếu có sự tăng tốc thực thi các chính sách khí hậu mà các quốc gia đã cam kết”.
Dự báo của PRI nhấn mạnh, phát thải toàn cầu đạt đỉnh vào giữa những năm 2020 và sau đó sẽ suy giảm vào năm 2030, khi việc thực thi chính sách sau năm 2025 có hiệu lực và các công nghệ hóa thạch được thay thế bằng các giải pháp thay thế sạch bắt đầu chiếm ưu thế.
Các nước lớn tăng gấp đôi cam kết chính sách về khí hậu
Các nhà phân tích của PRI thống nhất cho rằng việc các nước, hiện chiếm 70% GDP toàn cầu, tăng gấp đôi cam kết bằng đưa phát thải ròng về không, đã đưa ra phản ứng chính sách mạnh mẽ và nhanh chóng với biến đổi khí hậu thậm chí còn có khả năng cao hơn so với trước đại dịch: 48% trong số 124 dự báo cho thấy tham vọng chính sách cao hơn, và chỉ thấp hơn 6%, so với triển vọng năm 2019 của PRI.
Ô tô điện sẽ lên ngôi giúp giảm phát thải toàn cầu tới 7 Gt/năm.
Dự báo cho thấy giai đoạn 2023 đến 2025 sẽ trở thành thời điểm kích hoạt quan trọng với hai điểm áp lực chính hội tụ để gây áp lực buộc các chính phủ phải đẩy nhanh việc thực thi các chính sách mạnh mẽ hơn.
Theo đó, vào năm 2025, các quốc gia đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris đệ trình cam kết về khí hậu lần thứ ba sau cuộc Tổng kiểm kê toàn cầu vào năm 2023, trong đó sẽ trình bày chi tiết về việc thế giới còn bao xa để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và đóng vai trò như một cơ chế buộc các chính phủ phải đẩy nhanh việc thực thi các chính sách. Đồng thời, khi chi phí công nghệ giảm xuống và các diễn biến thực tế và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng, áp lực của xã hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với các chính phủ sẽ gia tăng trên toàn cầu.
Khi các khu vực và quốc gia quan trọng được thúc đẩy tiếp nhận và chuyển đổi cam kết thành hành động, mọi lĩnh vực chính sẽ được chuyển đổi, tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong các ngành công nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, hệ thống năng lượng sẽ chuyển đổi nhanh chóng. Việc sử dụng tất cả các nhiên liệu hóa thạch (dầu, than và khí đốt tự nhiên) trên phạm vi toàn cầu sẽ giảm 60% vào năm 2050.
Nhu cầu dầu mỏ đã ở gần mức cao nhất mọi thời đại và sẽ giảm sau giữa thập kỷ này. Nguyên nhân chính thúc đẩy suy giảm nhu cầu dầu mỏ là sự chuyển đổi hàng loạt các loại xe truyền thống sang xe điện.
Nhu cầu về than đá sẽ giảm khoảng 75% vào năm 2050 do ngành điện ít sử dụng hơn. Điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm hơn 30% sản lượng điện vào năm 2030 và sẽ là nguồn sản xuất điện chính (chiếm hơn 60% tổng sản lượng điện) vào năm 2050.
Mặt khác, sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải trong thập kỷ này: Số lượng phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Việc sản xuất các loại phương tiện này sẽ được chấm dứt vào năm 2050 khi mọi người nhanh chóng chuyển đổi sang phương tiện không phát thải, chiếm khoảng 30% tổng số ô tô lưu thông trên đường vào năm 2030.
Lĩnh vực xe tải trên toàn thế giới sẽ phi carbon hóa chậm hơn nhưng vẫn sẽ gần như phi carbon hóa hoàn toàn vào năm 2050 khi các xe tải truyền thống được thay thế bằng các loại xe chạy bằng nhiên liệu hydro và điện.
Công nghiệp là ngành chậm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính nhất trên thế giới.
Tất cả các lĩnh vực sẽ giảm phát thải CO2, nhưng một số lĩnh vực vẫn khó phi carbon hóa. Trong đó, lượng khí thải CO2 từ ngành điện sẽ giảm nhanh chóng và ổn định cho đến năm 2050. Mặc dù lượng khí thải giao thông sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa năm 2020, nhưng chúng sẽ giảm mạnh vào năm 2050.
Trong ngành công nghiệp, sự giảm phát thải sẽ không nhanh bằng các lĩnh vực khác. Nguyên nhân từ hạn chế và sự non kém về kỹ thuật của các giải pháp carbon thấp có nghĩa là chi phí của việc phi carbon hóa ngành công nghiệp thường cao hơn so với năng lượng và vận tải. Đến năm 2050 lượng khí thải CO2 trong ngành công nghiệp sẽ giảm khoảng 45% và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng khí thải còn lại.
Không giống như nhiều mô hình khí hậu khác, mô hình của IPR giải quyết một điểm mù lớn bằng cách tích hợp hệ thống sử dụng đất và thực phẩm và lập mô hình tương tác của nó với hệ thống năng lượng và nền kinh tế thực. Điều này cho thấy các giả định thường bị bỏ qua về phát thải thực phẩm và sử dụng đất cũng như các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) có tầm quan trọng như thế nào trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu.
Phân tích của PRI cho thấy, tiêu thụ thịt sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 trên toàn cầu và sẽ nhanh chóng giảm sau khi các lựa chọn thay thế trở nên cạnh tranh về chi phí vào năm 2035. 400 triệu ha đồng cỏ và đất trồng trọt sẽ được thay thế bằng rừng, đất trồng trọt và NBS trên toàn cầu vào năm 2050.
Những thay đổi nêu trên có nghĩa là đất đai sẽ là một bể chứa CO2 ròng trước năm 2050 và sẽ giảm 7 Gt phát thải vào năm 2050 so với giá trị năm 2020. Mức giảm 4,7 Gt sẽ đến từ NBS giúp loại bỏ carbon khỏi khí quyển và phần còn lại sẽ đến từ việc tránh phá rừng.
Cùng với việc loại bỏ phát thải khỏi bầu khí quyển (lâm nghiệp, rừng ngập mặn, nông lâm kết hợp, trong số các dự án khác) và các dự án tránh phá rừng sẽ dẫn đến cơ hội đầu tư với doanh thu hàng năm ước tính 167 tỷ đô la vào năm 2050, trong đó Trung Quốc có tiềm năng triển khai NBS tích lũy cao nhất đến năm 2050.
Có thể thấy rằng, chính sách về khí hậu mỗi quốc gia dù có khác nhau về quy mô hay thời điểm, nhưng đều phải tập trung vào thực hiện các nguyên tắc chung, xác định giới hạn chính trong chính sách về thời gian thực hiện các cam kết đối với phát thải vào khí quyển, chính sách về chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch và giảm phát thải công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp. Chỉ có vào hành động ngay hôm nay mới giúp trái đất sạch hơn vào ngày mai.
PRI: Để theo đuổi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 1,5 độ C đòi hỏi phải tăng cường ngay lập tức hành động thực thi chính sách năng lượng và sử dụng đất: Điện khí hóa ngành vận tải, loại bỏ than đá, chấm dứt nạn phá rừng.
Nguồn Petrotimes