Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 06:13 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xu hướng sử dụng vật liệu bền vững trong ngành công nghiệp ô tô

21/10/2021

Công nghiệp ô tô là một trong những ngành tạo ra nhiều phát thải cả trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vật liệu phụ trợ. Gần đây, dưới sức ép của các chính phủ và các phong trào môi trường, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi theo hướng xanh hơn. Trong đó, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu bền vững được xem là phương án cân bằng cả về kinh tế và môi trường. 

Thay thế da bằng các vật liệu bền vững 

Mercedes, nhà sản xuất ô tô hạng sang mới đây tuyên bố sẽ loại bỏ dần vật liệu da thật trong lắp đặt nội thất sản phẩm. Theo đó, hãng sẽ sử dụng các vật liệu thay thế bền vững hơn, như các chất liệu giả da có nguồn gốc từ thực vật (vegan leather) hoặc sợi tổng hợp có nhựa tái chế PET.

Thực tế, từ cách đây nhiều năm, Mercedes đã sử dụng artico, một loại vật liệu tổng hợp dựa trên vinyl trong một số thiết kế xe hơi. Ưu điểm của vật liệu này là “sang trọng” như da thật, nhưng nguồn gốc là một loại vật liệu nhân tạo tổng hợp. Ngoài ra, dinamica, một loại da lộn nhân tạo cao cấp có thể tái chế cũng nằm trong danh mục vật liệu thay thế thường xuyên của hãng. 

Da thật là một biểu tượng cho sự sang trọng của nội thất ô tô. Tuy vậy, ngành công nghiệp này bị coi là tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường cả trong quá trình chăn nuôi và thuộc da. Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang chịu nhiều sức ép chuyển đổi sản xuất bền vững, tìm kiếm vật liệu thay thế mà vẫn đảm bảo các tính năng cần thiết là giải pháp dễ lựa chọn. 

Volvo tuyên bố loại bỏ 100% da thật ra khỏi các thiết kế của hãng kể từ 2030. Ảnh: TL.

Các ông lớn khác trong ngành cũng không bỏ qua xu hướng này. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản Toyota sử dụng vật liệu nhân tạo softex từ nhựa nhiệt dẻo. Còn Ferrari thay thế bằng da nhân tạo nguồn gốc thực vật. Volvo, hãng xe nổi tiếng Thụy Điển còn tiên phong trong việc loại bỏ 100% da thật. Thay vào đó, hãng sử dụng chất liệu tổng hợp từ nhựa tái chế (PET), mảnh gỗ và nút chai.

Tái chế mọi thứ có thể 

Cách đây vài thập kỷ, một chiếc xe đỉnh cao thường sẽ được phủ bởi nhiều lớp vật liệu xa xỉ. Ngày nay, những thứ từng được coi là biểu tượng đó dường như không còn quá hấp dẫn với người tiêu dùng. Thay vào đó, những sản phẩm chiếm thiện cảm sẽ là sự kết hợp giữa các yếu tố sáng tạo về công nghệ và ý nghĩa về môi trường. 

"Định nghĩa ô tô cao cấp đang thay đổi", Rüdiger Recknagel, Giám đốc môi trường Audi cho biết: "Bây giờ ôtô cao cấp là những chiếc xe sử dụng vật liệu tốt nhất, ít ảnh hưởng tới môi trường nhất". Khi đưa ra tuyên bố này, hãng đồng thời cũng tung ra thị trường mẫu xe sedan A3 và xe điện Q4 có thiết kế ghế mới làm tự nhựa tái chế. 

Theo BMW, những chiếc xe mà hãng sản xuất ra trong thời gian gần đây có ít nhất 29% vật liệu tái chế. Cụ thể, các vật liệu tái chế chủ yếu là nhựa (khoảng 20%), nhôm (50%) và sắt (25%). Volvo đặt mục tiêu tới năm 2023 ít nhất 25% nhựa được sử dụng trong chuỗi sản xuất của hãng sẽ có nguồn gốc sinh học, hoặc từ vật liệu tái chế. 

Ford ra mắt vật liệu hốc đèn từ vỏ cà phê. Ảnh: NYT.

Ngoài nhựa và kim loại, các nhà sản xuất cũng tìm kiếm các vật liệu thay thế khác cho mọi bộ phận của ô tô. Chẳng hạn, Ford đã bắt tay cùng HP để chế tạo các ống dẫn xăng đúc áp lực trên xe tải F250 từ kỹ thuật in 3D sử dụng bột mực đã qua sử dụng. Cuối năm ngoái, hãng ra mắt sản phẩm hốc đèn pha làm từ vỏ cà phê. Đồng thời bắt tay với một hãng chưng cất rượu tequila để sử dụng sợi cây thùa bỏ đi làm phần gia cố hệ thống nâng hạ kính ô tô. 

Có thể thấy, các hãng xe đang rất tích cực tham gia lộ trình xanh hóa của ngành công nghiệp ô tô. Trong lúc chờ đợi một sự thay đổi lớn từ lõi công nghệ, tất nhiên đi kèm với sự đầu tư khổng lồ và nâng cấp toàn diện chuỗi cung ứng, thì các giải pháp can thiệp vào phần mềm, như sử dụng vật liệu bền vững, vật liệu tái chế, có vẻ là lựa chọn hợp lý để cân bằng giữa bài toán kinh tế và môi trường.  

An Nhiên t/h

(Nguồn Azo Materials, New York Times)