Tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần giảm nghèo và tái cơ cấu kinh tế.
Cụ thể, từ tháng 6/2021, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; hướng dẫn người dân thực hành tốt về mua sắm xanh, thực hành lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường…
Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển mạng lưới liên kết bền vững giữa sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nhằm thực hiện các yêu cầu, quy định kỹ thuật về môi trường và phát triển bền vững của các bên liên quan trong chuỗi.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình nuôi trồng bền vững. Tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các đề tài/dự án khoa học công nghệ.
Bí xanh thơm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch nung thủ công, thay vào đó là phát triển các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung. Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, Bắc Kạn đã và đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ năm 2018 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 158 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ 6 hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị…
Theo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035”, tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 40% các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên; có 46 ha cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP; 224 ha cây chè đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGap…
Với sự đồng thuận và vào cuộc của các cấp, các ngành trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, tỉnh Bắc Kạn sẽ quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, nhiên liệu; tạo việc làm ổn định, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hương Linh