Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:11 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Giảm lãng phí thực phẩm để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

18/10/2021

Theo thống kê của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc), khoảng ⅓ thực phẩm sản xuất ra, tương đương 1,03 tỷ tấn, sẽ bị thải bỏ hoặc thất thoát trong quá trình đi từ trang trại tới bàn ăn. Rác thải thực phẩm tạo ra khoảng 3,3 tỷ tấn CO2 mỗi năm, tương đương 7% tổng lượng phát thải toàn cầu. Tỷ lệ này chỉ nhỏ hơn 1% so với lượng phát thải trong ngành thép, lĩnh vực công nghiệp có phát thải lớn nhất. 

Thực trạng về lãng phí thực phẩm

Hiện châu Á đứng thứ hai về lãng phí thực phẩm. Trong đó, 25% lượng thực phẩm lãng phí toàn cầu đến từ Nam và Đông Nam Á. Báo cáo từ UN cho thấy, người Singapore tạo khoảng gần 810.000 tấn thực phẩm thừa mỗi năm, tức là khoảng 10% lượng rác thải ra của toàn quốc đảo. Người Malaysia thải bỏ khoảng 38.000 tấn thực phẩm/ngày, tương đương 8% tổng lượng rác thải. Riêng tại Việt Nam, khoảng 50%-80% lượng rác trên đầu người đến từ thực phẩm. 

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia lãng phí thực phẩm nhất khu vực. Ảnh: UN.

Cũng cần nói thêm rằng, ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển thì rác thải thực phẩm chính là thực phẩm chế biến. Trong khi đó tại các nước đang phát triển, hoặc khu vực bán đô thị, thực phẩm bị lãng phí chủ yếu là thực phẩm thô. 

Tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, từ lúc bắt đầu được thu hoạch cho đến khi thành thức ăn. ¼ lượng thực phẩm sản xuất bị thất thoát trước khi đến được nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam. (Khảo sát của CEL Consulting, công ty chuyên cung cấp các giải pháp tư vấn, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và vận hành nông nghiệp).

Tại Việt Nam, chuỗi cung ứng, hạ tầng logistic, các vấn đề sau thu hoạch là nguyên nhân làm thực phẩm giảm chất lượng. Năm 2020, theo một khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây Việt Nam là 10%, rau củ là 20%-50%, thủy hải sản từ 30-35%. Tổn thất lương thực vào khoảng 10%-15%. Ước tính, tổng lượng thực phẩm thất thoát từ chuỗi cung ứng Việt Nam khoảng 5,75 triệu tấn/năm, tương đương 60% lượng chất thải rắn.  

Tỷ lệ tổn thất thực phẩm theo ngành hàng tại Việt Nam (VN) và Nam-Đông Nam Á (SSA). Nguồn: CEL.

Lượng rác khổng lồ từ thực phẩm bỏ đi đang tạo ra gánh nặng ngày càng lớn tại các đô thị. Nhiều thành phố châu Á được coi là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường do những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp về tích tụ rác thải, bao gồm một phần không nhỏ là rác thải thực phẩm. Các chuyên gia y tế cảnh báo các đô thị sẽ rơi vào khủng môi trường, dịch bệnh nếu không xử lú được vấn đề này. 

Mặt khác, để bù đắp cho lượng lương thực bỏ đi, chuỗi cung ứng càng tăng tốc để sản xuất ra nhiều hơn, vô hình chung tạo ra nhiều phát thải hơn. Trong khoảng 20 năm kể từ 1990, ngành thực phẩm toàn cầu tăng trưởng khoảng 40%, đóng góp từ 16 - 18 triệu tấn CO2. Ước tính 35% lượng phát thải do con người tạo ra đến từ hệ thống thực phẩm. Tất cả các yếu tố này đang gây cản trở đáng kể cho quá trình giảm phát thải carbon toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Giải quyết những thách thức

Một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là đảm bảo sản xuất - tiêu dùng bền vững (SGD 12). Trong đó, mục tiêu cụ thể của SDG 12.3 là đến năm 2030, giảm một nửa lãng phí thực phẩm trên đầu người toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng, đồng thời giảm thất thoát thực phẩm dọc theo chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả tổn thất sau thu hoạch.

Việt Nam không đứng ngoài trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Năm 2018, Kế hoạch hành động quốc gia về “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025” đã được thông qua. Một trong những mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 “lương thực không bị thất thoát, lãng phí”. 

Chính phủ đã có một số chính sách ưu tiên đầu tư sau và nâng cấp chuỗi cung ứng bảo quản lạnh nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Điển hình là chính sách giảm thuế sử dụng đất cho đầu tư bảo quản lạnh (Quyết định số 65/2011/QĐ-TTG); tăng cường hợp tác công-tư; nâng cao năng lực sơ chế, đóng gói, vận chuyển; hình thành mạng lưới liên kết nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp... Mục tiêu đặt ra là giảm 50% lượng thất thoát thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp (gạo 5%, rau củ 12%, thuỷ sản 10%). Đồng thời, tăng đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, và công nghệ thúc đẩy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao từ phế phẩm nông nghiệp. 

Chính phủ đã có một số chính sách ưu tiên đầu tư sau và nâng cấp chuỗi cung ứng bảo quản lạnh nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong ảnh là kho lạnh tại KCN Long Hậu. Ảnh: Longhau.com.vn.

Từ một góc nhìn khác, theo báo cáo “Thực phẩm tốt, thành phố thông minh” của Ngân hàng thế giới, quản lý đô thị có vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hệ thống lương thực, thực phẩm. Báo cáo khuyến nghị cần có thêm biện pháp phát triển các kênh tiếp thị của chuỗi cung ứng ngắn, ví dụ từ ven đô tới nội đô. Bên cạnh đó là nâng cấp chợ cộng đồng cung cấp thực phẩm tươi sống. 

Các tiêu chuẩn tiếp thị và mua sắm thực phẩm quy mô cũng là vấn đề cần được xem xét. Ở khía cạnh này, các chuyên gia đánh giá vai trò của các công ty thực phẩm lớn, hiệp hội ngành sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong việc cải thiện hệ thống theo hướng an toàn, bền vững hơn; cũng như góp phần hình thành các xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, bảo vệ môi trường. 

Thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn có thể hỗ trợ mục tiêu sản xuất - tiêu dùng bền vững. Trong ảnh là trang trại trồng rau hữu cơ tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Nhipsonghanoi.

Cuối cùng, báo cáo đề xuất các sáng kiến và quan hệ đối tác ở quy mô cộng đồng có thể hỗ trợ tốt cho việc giảm rác thực phẩm, sử dụng thực phẩm thứ cấp và thúc đẩy nền kinh tế sinh học. Ở cấp độ này có một số mô hình rất tốt như Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (sáng kiến giữa Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam), Giải cứu thực phẩm Hà Nội (REACH). Theo thông tin công bố trên website, trong 6 tháng đầu năm 2021, các tổ chức đã hỗ trợ tái phân bố khoảng hơn 700.000 suất ăn có nguy cơ bị bỏ đi. Bên cạnh đó, nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về lãng phí thực phẩm cũng đã được thực hiện với sự chung tay của các tổ chức xã hội dân sự, các Đại sứ quán. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định để giải quyết được dứt điểm vấn đề cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan hữu quan. Trong đó cần xem xét đến việc đưa chống lãng phí thực phẩm vào chính sách quản lý đô thị. Bà Gayatri Acharya, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và đồng tác giả báo cáo, cho biết "bây giờ là thời điểm thích hợp để xây dựng và theo đuổi các chính sách lương thực tích hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như tăng cường khả năng phục hồi của thành phố theo hướng xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và lành mạnh”.

An Nhiên