Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:55 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Rộng đường cho sản phẩm Việt Nam xuất ngoại với chỉ dẫn địa lý

07/10/2021

Chỉ dẫn địa lý đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong thời gian gần đây, sản phẩm Việt Nam liên tục nhận được tin vui khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nhiều thị trường. Gần nhất, 39 sản phẩm Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột. Trước đó, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Định cũng đã báo tin vui khi được Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Nhiều thuận lợi khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản.

Bảo hộ địa lý là công cụ đắc lực mở rộng đường cho sản phẩm Việt Nam tiến vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. Theo đại diện Bộ NN&PTNT cho biết vụ xuất khẩu vải thiều năm nay được khách hàng Nhật Bản phản hồi chất lượng tốt hơn năm ngoái. Các lô hàng đều tiêu thụ hết trong vòng hai, ba tiếng.

Với thị trường khó tính như EU, việc cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ giúp sản phẩm tiến sâu thêm một bước nữa vào thị trường cao cấp này. Trước đó, một số mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam đã có cơ hội thuận lợi khi tiếp cận thị trường EU khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam chính thức có hiệu lực. 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đánh giá các loại sản phẩm khi được bảo hộ địa lý sẽ được nâng cao giá trị và uy tín đáng kể. Chẳng hạn như mật ong bạc hà Mèo Vạc, nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, cam Vinh tăng từ 30-50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc và quảng bá rộng rãi tại thị trường nội địa. Giá trị sẽ còn tăng gấp nhiều lần khi sản phẩm được xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Đây cũng là động lực để người nông dân nâng cao chất lượng sản xuất theo hướng bài bản, thương mại, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. 

Cần chú ý điều gì?

Để tạo điểm nhấn cho sản phẩm, ngoài việc đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, xây dựng câu chuyện về sản phẩm cũng là điều các doanh nghiệp nên lưu ý. 

Các chuyên gia nhận định, mặc dù đã có công cụ thuận lợi là chỉ dẫn địa lý, nhưng để nông sản Việt Nam thực sự trở thành một thương hiệu khác biệt trên kệ hàng quốc tế cần lưu ý một số điểm. 

Đầu tiên là các yếu tố kỹ thuật. Danh tiếng của sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). 

Ví dụ, yêu cầu của phía Nhật Bản để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Định, ngoài những thông tin về đặc tính, phương pháp sản xuất, hình thái sản phẩm… thì cần chứng minh là thanh long trồng ở Bình Thuận chứ không phải nơi khác và sản phẩm đã được trồng trên 25 năm, duy trì chất lượng ổn định. Ngoài ra, cần thể hiện được các yếu tố về cơ lý, vật lý của sản phẩm nổi bật, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng sản xuất. Chẳng hạn, quả thanh long Bình Định có vị ngọt chua, mùi thơm đặc trưng, hạt nhỏ và ít, giàu dinh dưỡng, thịt quả chắc… phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng núi giáp biển, nhiệt động trung bình, số giờ nắng cao. Để chứng minh được các yếu tố này cần sự tham gia của nhiều bên, gồm người sản xuất, đơn vị kinh doanh - xuất khẩu, đơn vị phân tích kỹ thuật và cơ quan quản lý.

Một cách khác để làm nổi bật tính khác biệt của sản phẩm là xây dựng thương hiệu và kể chuyện, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển gợi ý. Đây là những công cụ cần thiết để hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm cho thị trường ngách. Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chi tiết về vùng hoặc xuất xứ, giống, phẩm chất, kỹ thuật sau thu hoạch và chứng nhận. Nếu cho biết lịch sử của doanh nghiệp, trang trại và niềm đam mê, tâm huyết của những người làm việc tại đó… có thể là các yếu tố làm cho công ty và sản phẩm trở nên độc đáo. 

Ngoài ra, phù hợp thị trường là một yếu tố không thể bỏ qua. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết các nước EU, đặc biệt là Bắc Âu, có văn hoá cà phê và tiêu thụ cà phê tính trên đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, người tiêu dùng châu Âu chủ yếu dùng cà phê Arabica. Vì vậy để cà phê Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường này cần điều chỉnh lại tỷ trọng sản xuất và xuất khẩu phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chủ động gửi sản phẩm phân tích tại các cơ quan có thẩm quyền trước khi gửi hàng hoá để loại trừ các nguy cơ bị trả hàng. 

Cuối cùng, xu hướng sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Ngoài việc đảm bảo các yếu tố an toàn, nhà sản xuất cũng cần quản trị tốt môi trường sản xuất, điều kiện làm việc và công bằng xã hội. Đạt được các yếu tố này sẽ giúp sản phẩm Việt Nam tạo điểm nhấn khi tham gia cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong khu vực và trên thế giới. 

An Nhiên t/h