Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:02 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

5 chứng chỉ công trình bền vững phổ biến thế giới

03/10/2021

Công trình bền vững, hay công trình hướng đến các giải pháp sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là mô hình đang được giới kiến trúc, xây dựng toàn cầu ủng hộ nhằm duy trì các tiện ích sống của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Dưới đây là 5 chứng chỉ công trình bền vững được giới kiến trúc toàn cầu đánh giá cao.
1. BREEAM
BREEAM - Building Research Establishment Environmental Assessment Method, Phương pháp đánh giá, xếp hạng và chứng nhận tính bền vững của các toà nhà. Chứng nhận ra đời bởi Tổ chức nghiên cứu toà nhà năm 1990. Phương pháp được sử dụng rộng rãi tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Chứng nhận đánh giá tính bền vững của toàn nhà, đặc biệt trong sử dụng năng lượng, sức khỏe, sự đổi mới, cách sử dụng đất, nguyên vật liệu, quản trị, kiểm soát ô nhiễm, vận chuyển và kiểm soát tình trạng lãng phí. 
Đây cũng là công cụ đắc lực được các nhà quy hoạch, quản lý đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường của dự án đến cộng đồng địa phương từ đó có các biện pháp giảm thiểu tác động qua các tiêu chí: quản trị, lợi ích, giao thông, sử dụng đất và sinh thái, tài nguyên và năng lượng, sự đổi mới. 
2. LEED
Nhà văn phòng ATAD (Việt Nam) đạt chứng nhận LEED Platinum
LEED - Leadership in Energy and Environmental Design, Chứng chỉ công trình xanh được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh, ra đời năm 1995 tại Mỹ. Đây là hệ thống chứng chỉ phổ biến nhất thế giới. Tính đến 2019, tại Việt Nam đã có 70 công trình đạt được chứng chỉ này. 
LEED tập trung vào các tiêu chí bền vững về môi trường và xã hội, đặc biệt trong cách quản lý sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, tạo sự thoải mái cho người sử dụng, tạo vi khí hậu trong nội thất công trình và sử dụng vật liệu tái tạo. 8 tiêu chí chính của LEED bao gồm: vị trí xây dựng bền vững, tận dụng nguồn nước hiệu quả, tận dụng và tái tạo nguồn năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và vật liệu, chất lượng môi trường sống trong nhà, đổi mới và quy trình, khu vực ưu tiên.
3. NABERS
NABERS - National Australian Built Environment Rating System, Hệ thống đánh giá môi trường xây dựng quốc gia Úc. Đây là sáng kiến của Chính phủ Úc nhằm đo lường hiệu quả năng lượng, lượng khí thải CO2, lượng nước tiêu thụ và chất thải trong một tòa nhà. 
Các yếu tố đánh giá chính bao gồm: sử dụng tài nguyên đất, nước, năng lượng, vật liệu và các nguồn lực khác; chất thải; kiểm soát ô nhiễm; đa dạng cảnh quan; chất lượng không khí bên trong; mức độ hài lòng của dân cư.
4. CASBEE
CASBEE - Comprehensive Assessment System for Built Environment Efficiency, Hệ thống quản lý công trình xanh tại Nhật Bản. CASBEE được phát triển bởi Uỷ ban nghiên cứu được thành lập giữa chính phủ, học viện và doanh nghiệp dưới sự bảo trợ của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Hệ thống được áp dụng từ năm 2001. 
CASBEE áp dụng khoảng 90 tiêu chí, tập trung vào bốn mảng chính: tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; môi trường địa phương và vi khí hậu công trình.
5.  Nordic Swan Ecolabel
Nordic Swan Ecolabel nằm trong Hệ thống chứng chỉ sinh thái Bắc Âu, được Hội đồng Bắc Âu xây dựng và ban hành từ năm 1989. Trong mảng công trình xây dựng, hệ thống đánh giá và xếp hạng các công trình toà nhà dân cư, trường học và trường mầm non. 
Hệ thống chứng chỉ xây dựng Nordic Swan Ecolabel tập trung vào việc giảm thiểu mức độ độc hại trong vật liệu trong suốt vòng đời của chúng; đánh giá việc sử dụng năng lượng, tài nguyên trong cả quá trình xây dựng và tuổi thọ của tòa nhà; đồng thời giải quyết vấn đề tái chế.
An Nhiên t/h