Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:08 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đảm bảo tương lai tiếp cận lương thực công bằng và bền vững

03/10/2021

Đại dịch COVID-19 đã len lỏi ở khắp mọi nơi trên thế giới, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực và việc tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên toàn cầu.
Tuyên bố Florence nêu bật tính cấp bách của hành động, trong đó nhấn mạnh đổi mới phương thức sản xuất đóng vai trò quan trọng để tăng khả năng phụ hồi và tính bền vững của hệ thống nông nghiệp - thực phẩm. 
Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Florence, Italy trong 2 ngày 17-18/9, là cơ hội để G20 thúc đẩy hợp tác đa phương nhằm tránh lãng phí lương thực và đảm bảo tương lai tiếp cận lương thực công bằng và bền vững.
Hội nghị kết thúc với Tuyên bố Florence về tính bền vững của hệ thống lương thực, trong đó đưa ra những điểm cơ bản để đạt được mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, các nội dung hành động trên lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Bộ trưởng Chính sách nông nghiệp và lương thực Italy, Stefano Patuanelli nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đưa ra các chính sách một cách dứt khoát để đảo ngược tiến trình, không xét tới tính đồng thuận hay hiệu quả tức thì, mà hành động của chúng ta sẽ có hiệu quả trong nhiều năm nữa”.
Theo báo cáo về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hợp quốc (tháng 7/2020), trước đại dịch COVID-19, ước tính khoảng 690 triệu người phải chịu cảnh thiếu ăn. Và đại dịch có thể khiến thêm 83 đến 132 triệu người suy dinh dưỡng tùy thuộc vào kịch bản tăng trưởng kinh tế. Do đó, Bộ trưởng Stefano Patuanelli nhấn mạnh cam kết “không còn nạn đói” (Zero Hunger), cùng việc chuyển giao công nghệ và chuyển đổi sinh thái. Ông Stefano Patuanelli cho biết, với Italy, trẻ em vẫn được đảm bảo bữa ăn ở trường, song một số khu vực trên thế giới không được như vậy, do đó cần tăng cường tính đa phương trong quan hệ và hợp tác giữa các quốc gia để tránh lãng phí và cho phép sản xuất thực phẩm đảm bảo.
Để làm được điều này, Tuyên bố Florence nêu rõ: chú trọng vào việc chuyển giao công nghệ, không theo chiều dọc mà theo chiều ngang, giữa các quốc gia phát triển và các nước đang phát triển, đồng thời tạo ra một bước nhảy vọt về công nghệ đối với công nghệ mới. G20 khẳng định “đổi mới phương thức sản xuất” đóng vai trò quan trọng, như một công cụ để "tăng khả năng phục hồi và tính bền vững của hệ thống nông nghiệp và thực phẩm".
Những lo ngại về lãng phí lương thực cũng là trọng tâm thảo luận tại hội nghị. Nghiên cứu do Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) cho thấy mỗi năm hàng tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng. “Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm” đã được 20 nhà lãnh đạo G20 xác định là “thách thức toàn cầu, cần hành động khẩn cấp và mang tính tập thể”. G20 cũng chỉ ra thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là đảm bảo lương thực cho một hành tinh đang đối mặt “nạn đói”, trong khi vẫn phải đảm bảo sức khỏe.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đe dọa hệ thống lương thực, kéo theo hệ lụy thiếu lương thực và làm trầm trọng thêm sự biến động về giá. Do đó, tại hội nghị, các bộ trưởng G20 cho rằng cần có sự can thiệp mang tính toàn cầu, đặc biệt đối với giá lúa mì. Ngoài ra, vấn đề thu nhập cũng là một trong những trọng tâm của hội nghị, Tuyên bố Florence khẳng định: "Không có tăng trưởng bền vững nếu không có một nền nông nghiệp được hỗ trợ về kinh tế, có khả năng tạo ra thu nhập ổn định và đủ, cũng như tạo ra công việc đảm bảo”.
Với những kết quả đạt được trên cương vị chủ tịch G20, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc đánh giá cao Italy và những nỗ lực mang tính xây dựng của nước này trong năm 2021, bao gồm việc thúc đẩy an ninh lương thực trong suốt chương trình nghị sự. Đồng thời, ông Khuất Đông Ngọc cũng cho rằng đại dịch đã "nới rộng bất bình đẳng hiện có", nới rộng khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong khi tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng từ 8,4% lên khoảng 9,9% dân số trên toàn thế giới. Theo FAO, nhiều minh chứng cho thấy “hệ thống nông sản thực phẩm là chìa khóa để giảm bớt những bất bình đẳng này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”.
Trên cương vị chủ tịch G20, cùng chương trình hành động của Chính phủ Italy trên 3 mục tiêu “Con người, Hành tinh và Thịnh vượng”, Italy tiếp tục nỗ lực tăng cường và mở rộng các công cụ chủ nghĩa đa phương dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Sau thành công của Hội nghị G20 tại Matera về an ninh lương thực hồi tháng 6, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hành động hợp tác quốc tế về lương thực, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận lương thực một cách công bằng và bền vững trên toàn thế giới, hướng đến mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030.
Nguồn Báo Tin tức