Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 23:14 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Luật BVMT năm 2020 sẽ quy định trách nhiệm tái chế, thu hồi pin năng lượng mặt trời

15/09/2021

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ có các nội dung đề xuất liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế pin mặt trời. 
Về cơ bản, sản xuất điện từ năng lượng mặt trời là phương thức sản xuất thân thiện môi trường và bền vững cho tương lai nếu cộng gộp tất cả các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường nó đem lại. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường cũng nằm trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW).
Tuy vậy, năng lượng xanh không có nghĩa là hoàn toàn không có rác thải. Với công nghệ sản xuất hiện nay, pin năng lượng có tuổi thọ từ 10-20 năm, tuỳ thuộc vào địa điểm và môi trường. Các thành phần cấu tạo chính của tấm pin năng lượng bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. 
Như vậy, sau khoảng một đến hai thập kỷ sử dụng, một cánh đồng pin năng lượng mặt trời sẽ tạo ra một lượng rác thải rắn kha khá cần dọn dẹp. Đó là chưa kể, các kim loại nặng như Cd, Si.. có trong tấm pin sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước hoặc phát sinh khí thải độc hại nếu không được xử lý đúng cách. 
Trước vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó đề xuất đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế.
Theo đó, các dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ dưới 50ha thì không phải thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chủ đầu tư vẫn phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại.
Hiện cơ quan quản lý khuyến khích các nhà đầu tư triển khai các dự án điện mặt trời, phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và các nhà sản xuất, phân phối tiến hành thu hồi các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải. Điều này phù hợp với chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom chất thải để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng từ các nhà sản xuất, nhà phân phối theo quy định.
Theo quy định hiện hành, việc thu hồi, xử lý sản phẩm pin năng lượng mặt trời thải bỏ do các nhà sản xuất thực hiện. Theo đó, nhà sản xuất sản phẩm thuộc danh mục quy định phải thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, sau đó tổ chức xử lý theo quy định về quản lý chất thải. Các hình thức xử lý bao gồm trực tiếp xử lý hoặc  chuyển giao cho các đơn vị xử lý chất thải trong nước có chức năng phù hợp; xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý; tái sử dụng hoặc các hình thức khác theo quy định.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Hiện tại, Bộ TN&MT đang giao Tổng cục Môi trường chủ trì xây dựng Thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất giải pháp quản lý, xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải”. Đây là cơ sở xem xét ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải.
Tấn Thành