Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 03:10 GMT+7

Tin hoạt động

Bộ Công Thương góp ý xây dựng dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ môi trường 2020

01/09/2021

Bộ Công Thương đã phúc đáp Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định).
Theo nội dung Công văn phúc đáp, bên cạnh những góp ý chung, Bộ Công Thương đóng góp một số ý kiến cụ thể quan trọng về hai vấn đề chính gồm: các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ngành Công Thương và quy định cách thức, công cụ triển khai và trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều được thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. 
Vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương
Theo đó, các nội dung góp ý liên quan đến công tác BVMT ngành Công Thương gồm sáu nhóm vấn đề chính: Chức năng, nhiệm vụ của Bộ; Tái chế và cơ chế ưu đãi sản phẩm thân thiện môi trường và kinh tế tuần hoàn; Phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; Thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường; Hồ sơ cấp phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); và một số vấn đề khác liên quan.
Chức năng, nhiệm vụ của Bộ
Theo Khoản 23 Điều 3 về thuật ngữ cơ quan chuyên môn về BVMT, hiện nay nhiều Bộ/ ngành đang có các cơ quan chuyên môn về BVMT để thực hiện công tác BVMT trong các ngành/ lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung các cơ quan chuyên môn về BVMT trực thuộc các Bộ/ ngành khác, trừ ba Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng và Công an.
Tại điểm g Khoản Điều 188 về trách nhiệm bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa thành “g) Bộ Công Thương có trách nhiệm đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, hoạt động đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quản lý, trong các hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế; Chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong ngành, lĩnh vực quản lý; xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển ngành, lĩnh vực quản lý”.
Tái chế và cơ chế ưu đãi sản phẩm thân thiện môi trường và kinh tế tuần hoàn
Trong nội dung này, Bộ góp ý về hai nội dung liên quan là tránh nhiệm mở rộng của doanh nghiệp (EPR) và kinh tế tuần hoàn.
EPR
Tại Điều 88, 99, 100, đề nghị làm rõ hơn mô hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Việt Nam vì sẽ phát sinh thêm bộ máy tổ chức và biên chế, trong khi các nội dung này không được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc đi ngược chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế hiện nay.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ BVMT) để thực hiện tái chế sau khi doanh nghiệp đóng tiền vào Quỹ BVMT vì những lý do sau:
Thứ nhất, khi doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ BVMT thì trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp đã chuyển thành trách nhiệm của Quỹ BVMT. Trong trường hợp Quỹ không thể thực hiện trách nhiệm tái chế thì cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính hay chế tài tương ứng.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, linh kiện máy móc, tin học, viễn thông, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải… thì vấn đề khó nhất nằm ở khâu thu gom, chứ không phải tái chế.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu kỹ hơn về các quy định EPR để có thể triển khai thực tế.
Kinh tế tuần hoàn
Tại Khoản 1 Điều 164, Bộ Công Thương góp ý việc xác định các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn, tập trung chủ yếu vào mục đích là hạn chế chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chưa thể hiện rõ nội hàm và đặc trưng của kinh tế tuần hoàn. Các tiêu chí quan trọng gắn với hiệu quả kinh tế, cách thức thực hiện dựa trên đổi mới công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh - tiêu dùng theo chuỗi vòng đời sản phẩm chưa được làm rõ. Quy định về trách nhiệm các Bộ, ngành khác, bao gồm Bộ Công Thương, không rõ ràng và phù hợp.
Phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường
Khoản 1 Điều 127 của Luật BVMT quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ “Hướng dẫn, kiểm tra và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý”. Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 133 Dự thảo Nghị định chỉ quy định “Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí, tràn dầu, rò rỉ hóa chất độc”. Nội dung Dự thảo thiếu rất nhiều so với phạm vi quản lý của Bộ Công Thương được Chính phủ quy định tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung các lĩnh vực, ngành do Bộ Công Thương quản lý để có cơ sở triển khai thực hiện phù hợp với Luật BVMT.
Riêng đối với lĩnh vực hoá chất, trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất đã có nội dung về các giải pháp phòng ngừa và khắc phục hậu quả sự cố hoá chất. Các nội dung nêu rõ giải pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường do sự cố hoá chất gây ra. Vì vậy, Bộ Công Thương góp ý trong lĩnh vực này chỉ cần xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất để tránh chồng chéo, tăng thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. 
Thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường
Bộ Công Thương đề nghị bổ sung trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin của chủ dự án, chủ cơ sở đối với cơ sở dữ liệu môi trường cấp Bộ, ngành tại Khoản 1 Điều 127 như sau: “Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin môi trường quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 114 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, bộ, cơ quan ngang bộ và cấp tỉnh”. Lý do là các thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu môi trường cấp Bộ rất quan trọng trong việc xây dựng chỉ tiêu và hoạch định chính sách phát triển kinh tế ngành đi đôi với BVMT. 
Hồ sơ cấp phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)
Quy định tại Khoản 6 Điều 27 của dự thảo Nghị định không thống nhất và trái ngược với quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Khoản 1 Điều 26 về trách nhiệm của Chủ dự án đầu tư trong quá trình hoàn thiện ĐTM, Bộ Công Thương đề nghị sửa thành “Trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định báo cáo ĐTM, chủ dự án đầu tư hoàn thiện báo cáo ĐTM và gửi cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo ĐTM…”. Lý do là thời gian quy định “24 tháng” trong Dự thảo là quá dài, khả năng cao sẽ có nhiều thay đổi về hiện trạng môi trường nền, điều kiện kinh tế - xã hội… khiến kết quả thẩm định không chính xác.
Khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đề cập tới “Đại diện cộng đồng dân cư” nhưng không quy định cụ thể. Đề nghị cơ quan soạn thảo có những quy định rõ ràng hơn cá nhân hay đoàn thể nào có thể đại diện cho cộng đồng dân cư, để có căn cứ triển khai thực tế. 
Vấn đề khác 
Quy định tại Khoản 3, 4 Điều 21 về phân vùng bảo vệ môi trường quá rộng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang hoạt động. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này, bổ sung lộ trình thực hiện và những quy định chuyển tiếp, bồi thường của nhà nước với các doanh nghiệp đang hoạt động và sẽ chịu tác động của quy định này.
Tại Điều 46 dự thảo Nghị định về nội dung báo cáo và đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm, một số hóa chất đang chịu sự quản lý tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017. Theo đó quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và thuộc Phụ lục I của Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, Phụ lục II của Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Các hoá chất này gồm: Hexabromodiphenyl ether và Heptabromodiphenyl ether (HBDE);Tetrabromodiphenyl ether và Pentabromodiphenyl ether (PBDE); các axit Perfluorooctane sulfonic, muối của chúng (PFOS) và perfluorooctane sulfonyl fluoride (PFOSF);  Perfluorooctanoic acid (PFOA), muối của chúng và các hợp chất liên quan đến PFOA; các paraffin mạch ngắn chứa clo (SCCP) và hóa chất; Hexabromocyclododecane. Theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp phải được cấp phép và chứng nhận, thực hiện báo cáo hóa chất định kỳ hàng năm và cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.
Theo đó, Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp chia sẻ thông tin quản lý các hóa chất nêu trên khi có yêu cầu. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án quản lý phù hợp quy định hiện hành và điều kiện thực tiễn.
Nguồn lực BVMT
Tại Điều 178. Nguồn lực cho BVMT, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung các nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu. Cụ thể bổ sung các nội dung: Điều tra, thống kê, kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các ngành, lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính theo Luật BVMT; Xây dựng báo cáo kiểm kê, báo cáo kết quả giảm phát thải khí nhà kính; Xây dựng Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của ngành/lĩnh vực; Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm soát phát thải khí nhà kính; Thẩm định kết quả giảm phát thải khí nhà kính của ngành/lĩnh vực; Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của BĐKH đến ngành/lĩnh vực; Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính của ngành/lĩnh vực; Xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống MRV giảm phát thải khí nhà kính của ngành/lĩnh vực.
Tại Phụ lục 6, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm loại hình dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại vào Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc mức I.
Rõ ràng hơn về cách thức, công cụ triển khai và trách nhiệm của các Bộ, ngành
Bộ Công Thương đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định có nội dung rõ ràng hơn về cách thức, công cụ triển khai và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, như cụ thể hoá Khoản 3 Điều 88, Khoản 4 Điều 147; Khoản 1 Điều 127…
Về nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí tại Khoản 3 Điều 88; và nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý tại Khoản 1 Điều 127 được giao cho Bộ, cơ quan nganh Bộ chủ trì thực hiện nhưng bổ sung công cụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường để thực hiện chức năng quản lý. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra cho lực lượng thanh tra chuyên ngành, cơ quan chuyên môn BVMT ngành Công Thương. Trong trường hợp không bổ sung được thì cần quy định cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có trách nhiệm tại Khoản 1 Điều 160 Luật BVMT với các Bộ, cơ quan ngang Bộ. 
Trường Giang t/h