Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:41 GMT+7

Tin hoạt động

Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020

06/05/2021

Nhằm mục đích phổ biến các quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành Công Thương và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả quy định pháp luật môi trường, sáng ngày 16/4/2021, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu đến từ nhiều Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp. Bên cạnh việc tập trung vào một số quy định mới trong Luật BVMT 2020, Hội thảo còn giới thiệu khái quát về vấn đề áp dụng Kỹ thuật hiện có tốt nhất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, mua sắm xanh trong sản xuất, tiêu dùng.
Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, các doanh nghiệp thuộc ngành đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên cùng với đó là phát sinh những vấn đề về ô nhiễm môi trường cần được quan tâm giải quyết. Đến nay Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được sửa đổi và thông qua 04 lần tương ứng với yêu cầu BVMT qua từng giai đoạn, đó là vào các năm 1993, 2005, 2014 và mới nhất là Luật BVMT số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 17 tháng 11 năm 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Phó Cục trưởng Cục ATMT Trần Anh Tấn
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020”, ông Trần Anh Tấn – Phó Cục trưởng Cục ATMT nhấn mạnh: “Luật BVMT sửa đổi lần này đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường, có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá như đối với giấy phép môi trường, quản lý chất thải, thu phí theo khối lượng xả ra, một số nội dung mới như Kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh tế tuần hoàn, phát triển các ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ thân thiện môi trường, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên... cũng đã được đưa vào Luật BVMT”.
Theo Phó Cục trưởng Cục ATMT, để đáp ứng những yêu cầu về BVMT, trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim... Tuy nhiên, trình độ công nghệ, thiết bị trong nhiều lĩnh vực công nghiệp được đầu tư qua nhiều giai đoạn, cần thay đổi, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về BVMT. Bên cạnh đó, công tác BVMT tại các CCN cũng là vấn đề còn nhiều hạn chế, bất cập tại địa phương. Do vậy, bên cạnh việc các Bộ ngành nâng cao vai trò quản lý thì các doanh nghiệp cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để kiểm soát, giải quyết những vấn đề môi trường còn tồn tại.
Bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương)
Đồng tình với ý kiến của ông Trần Anh Tấn, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp (CCN), Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, để tiếp tục đầu tư phát triển cụm công nghiệp hiệu quả, bền vững, một số giải pháp về quản lý môi trường đối với CCN được đề xuất như sau: Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN. Hai là, chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường CCN. Ba là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các CCN, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với CCN, sát thực tế. Bốn là, hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các CCN bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từng giai đoạn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Năm là, tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý CCN, nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong CCN; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các CCN.
Ông Hoàng Văn Vy – Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Thông tin chi tiết hơn về một số quy định mới trong Luật BVMT năm 2020 liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hoàng Văn Vy – Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo Luật BVMT năm 2020, việc phân loại dự án môi trường được chia thành 4 nhóm với 03 tiêu chí rõ ràng: Quy mô, công suất, loại hình; Diện tích đất, mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác; Yếu tố nhạy cảm về môi trường. 4 nhóm đó là: Nhóm I: nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; Nhóm II: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; Nhóm III: ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; Nhóm IV: không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Lãnh đạo Cục ATMT nhận định, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nhưng các doanh nghiệp ngành Công Thương đã chấp hành tương đối nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT. Tuy nhiên, với tình hình trong giai đoạn phát triển kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, khi các Hiệp định CPTPP, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA bắt đầu có hiệu lực thực hiện, đòi hỏi rất lớn các doanh nghiệp trong nước phải có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường. Có như vậy mới có thể cạnh tranh, vươn tầm quốc gia, đưa các sản phẩm, công nghệ của Việt Nam phát triển ra thế giới. “Muốn đạt được mục tiêu như vậy, các doanh nghiệp phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững” – Phó Cục trưởng Trần Anh Tấn nhấn mạnh.
Kế hoạch BVMT ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2025 hướng đến mục tổng quát: Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; Sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020” là cơ hội để các cơ quan quản lý và các đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương có cơ hội để trao đổi, thảo luận cùng đưa ra các ý tưởng, giải pháp thông minh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác BVMT tại địa phương và đơn vị.
Hồng Hạnh