Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:32 GMT+7

Tin hoạt động

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): đặt môi trường vào vị trí trung tâm phát triển đất nước

05/05/2020

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đồng thời giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tại điểm cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự tham dự của Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại điểm cầu địa phương, có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội; các vị Đại biểu Quốc hội. 
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Nguồn: Báo TN&MT)
Đặt môi trường vào vị trí trung tâm phát triển đất nước
Phát biểu tại buổi họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết "Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án sửa đổi Luật này, để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế."
Nói về dự thảo lần này, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh Bộ đã tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Đây là cũng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về môi trường sống trong lành, an toàn.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ là nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp.
Nội dung sửa đổi của Luật xác định rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò nòng cốt của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.
Nhiều công cụ, chính sách kinh tế được bổ sung như: cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển ngành công nghiệp môi trường; đề xuất sửa đổi các chính sách về bảo vệ môi trường đang được quy định tại một số luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật Bảo vệ môi trường. 
Có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý, cũng như vấn đề hội nhập quốc tế Việt Nam đang tham gia. Do đó, cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong xu thế phát triển và thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.
Trong buổi họp trực tuyến, đại biểu các tỉnh đã nêu nhiều góp ý thực tiễn cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Duy Hậu thì cần giảm thủ tục hành chính đối với thẩm quyền đánh giá tác động môi trường. Dự án nào tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thì giao cho tỉnh, trường hợp năng lực thẩm định chưa đảm bảo tỉnh sẽ mời chuyên gia. Bổ sung trách nhiệm các thành viên hội đồng thẩm định; tăng cường đột xuất thanh tra, kiểm tra.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, góp ý hiện nay công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đa số phụ thuộc vào các nhà đầu tư, còn các tỉnh thiếu định hướng từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng. Do đó, cần có định hướng cho các địa phương để tránh đầu tư kém hiệu quả hoặc không đảm bảo môi trường. Các vấn đề môi trường vướng mắc như việc xả thải lớn gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định 40 cho vùng nuôi thủy sản dưới 40 ha, quy chuẩn Việt Nam 40 được các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phản ánh là rất cao; vì vậy đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ…
Bình Minh tổng hợp