Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:43 GMT+7

Tin hoạt động

Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

13/11/2014

Nhiệm vụ trên càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm. Các chuyên gia kinh tế và các định chế tài chính (ADB, IMF, WB...) liên tiếp đưa ra những dự báo hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điển hình là dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với mức tăng trưởng toàn cầu hạ từ 3,7% đầu năm, xuống 3,6% (tháng 4) và tiếp tục hạ xuống 3,4% (tháng 7). Trong nước, kinh tế tiếp tục đối mặt với những khó khăn: Sức mua trên thị trường thấp; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp… đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các nhà máy, cơ sở SX đang hoạt động chủ yếu là công nghệ trung bình, đã đầu tư lâu năm, phát huy cơ bản hết công suất. SX ra các mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho SX (xi măng, clinker, ferocrom, đá ốp lát, tinh bột sắn, đường, cói…) và một số mặt hàng tiêu dùng (bia, ô tô, hàng TTCN...). Đây đều là những mặt hàng bị tác động nhiều nhất của suy giảm tiêu dùng và sản xuất. Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư lại chậm tiến độ như: Xi măng Công Thanh, Ferocrom Thanh Hóa, Phân bón Tiến Nông… cá biệt có dự án dừng triển khai. Đối với lĩnh vực dịch vụ thương mại, nổi lên trở ngại chính là sự trầm lắng của thị trường tiêu dùng, chỉ số giá (CPI) tăng thấp, xu hướng tích lũy dân cư tăng… ảnh hưởng đến SX và huy động nguồn lực đầu tư xã hội.

Trước những khó khăn thách thức đặt ra; nhằm tranh thủ thời cơ, vận hội mới sau khởi công Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án trọng điểm của tỉnh, cùng với kết quả nổi bật công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư; được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã đặt nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là bám sát tình hình cơ sở để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch Công Thương năm 2014. Toàn Ngành đã xác định, triển khai 5 nhóm giải pháp xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, đó là: (1) Khẩn trương rà soát xây dựng các quy hoạch và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất; (2) Tiếp tục bám sát tình hình SXKD của các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong SXKD trên cả 2 lĩnh vực vực “đầu vào” và “đầu ra” cho sản xuất; (3) Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, gắn với đẩy mạnh thực hiện văn minh thương mại; điều hành tốt thị trường nội tỉnh, ngăn chặn việc buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; (4) Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án SX CN, hạ tầng thương mại; (5) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương. Cụ thể:


* Đối với công tác xây dựng quy hoạch, chính sách hỗ trợ sản xuất:

Sở đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch ngành như: Quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng đến năm 2020; Quy hoạch dệt may đến năm 2020; Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề; đang chỉ đạo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại đến năm 2020… Đồng thời tổ chức công bố rộng rãi, công khai các quy hoạch đến các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư kinh doanh.


Với quan điểm chính sách phải được xây dựng từ yêu cầu thực tiễn cơ sở, đặc biệt là từ nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp, Sở đã rà soát, mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh dừng bỏ 2 chính sách không phù hợp thực tiễn (Chính sách khuyến khích phát triển chợ, siêu thị, TTTM và Chính sách phát triển TTCN và ngành nghề), nghiên cứu xây dựng các chương trình hỗ trợ thay thế, đảm bảo phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.


* Đối với hoạt động SX, KD của các doanh nghiệp:

Trước tình hình khó khăn kéo dài trong hoạt động SX, KD của các doanh nghiệp, Sở Công Thương đã xác định “nút thắt” của khó khăn nằm ở cả “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất. Do đó, phải có những giải pháp vừa cụ thể đối với từng doanh nghiệp lớn, nhóm sản phẩm chủ yếu, vừa mang tính đồng bộ trên cả yêu cầu của sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sở đã tập trung chỉ đạo, cụ thể:

 

* Lĩnh vực “đầu vào” của sản xuất: Đất đai, công nghệ sản xuất, vốn, thu mua nguyên liệu, nguồn nhân lực, điện, nước, thủ tục hành chính… Đã tổ chức giao ban với các doanh nghiệp, cử các phòng ban, đơn vị bám sát các doanh nghiệp, các dự án để đôn đốc, hỗ trợ, để các nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực sớm hoàn thành dự án đúng và vượt thời gian, có sản phẩm công nghiệp mới, tăng thêm trong năm kế hoạch. Động viên các doanh nghiệp hoạt động ổn định công suất nhà máy hiện có. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư mở rộng để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng. Quan tâm hỗ trợ để các dự án dừng sản xuất hoặc sản xuất chưa ổn định sớm sản xuất ổn định trở lại như: Gang Thanh Hóa, Men vi sinh.... Lập và trình UBND tỉnh ban hành danh sách các doanh nghiệp được ưu tiên cấp điện khi thiếu nguồn, đảm bảo đủ điện cho hoạt động SXKD.

 

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan (Thuế, Hải Quan, Xây dựng, Lao động...) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các lĩnh vực quản lý Nhà nước chuyên ngành hoặc tham mưu cho UBND tỉnh khi vượt quá thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố rà soát và tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất TTCN phù hợp với tiềm năng và điều kiện của từng địa phương; tập trung các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề, gắn với xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo đẩy mạnh công tác khuyến công; chuyển các cơ sở sản xuất còn nằm rải rác trong khu dân cư vào các khu vực đất dành cho SXCN trong quy hoạch nông thôn mới; hỗ trợ tích cực cho các hiệp hội như: Hiệp hội TCMN, Hiệp hội đá ốp lát, Hiệp hội chiếu cói Nga Sơn... để các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

 

Kết quả triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn lĩnh vực “đầu vào” của SX đã mạng đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định SX kinh doanh, nhiều dự án mới đã sớm đi vào SX như: Ferocrom Thanh Hóa, may Sakurai mở rộng, may Winner mở rộng, Giầy Hong Fu mở rộng… thu hút thêm gần 19.000 lao động, đưa Giá trị SXCN toàn tỉnh năm 2014, từ ước đạt 29.373 tỷ đồng (thời điểm tháng 6) lên ước đạt 30.355 tỷ đồng (thời điểm tháng 9)

 

* Lĩnh vực “đầu ra” cho sản xuất: Trước tình hình thị trường sức mua trầm lắng, CPI tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm gần đây, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 09/7/2014 về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 13, phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ để các doanh nghiệp của tỉnh nắm giữ được thị phần chủ yếu trong việc tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là các mặt hàng: chiếu cói, thủy sản chế biến, thức ăn gia súc, phân bón, xi măng, gạch, đá ốp lát, hàng may mặc, bia, ô tô tải, thép cán... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác trong cả nước. Định hướng và hỗ trợ xuất khẩu đến các thị trường Hiệp định TPP và FTA để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý trong đăng ký sở hữu công nghiệp, thương hiệu hàng hóa và rào cản kỹ thuật thương mại (Hiệp định TBT). Tổ chức các Hội chợ thương mại cấp huyện gắn với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp của tỉnh tham gia Hội chợ thương mại trong và ngoài nước.

 

Lĩnh vực “đầu ra” cho sản xuất được hỗ trợ tích cực đã giải quyết cơ bản tình trạng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp SX; đồng thời, cải thiện đáng kể sức mua dân cư, thúc đẩy tăng trưởng thị trường tiêu dùng. Là yếu tố quan trọng, quyết định cho hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về xuất khẩu và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.

 

* Đối với công tác quản lý thị trường:

Bên cạnh thực hiện tốt công tác động viên các doanh nghiệp thương mại chủ yếu tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, công tác QLTT tiếp tục là lĩnh vực nổi bật trong quản lý của ngành, được các cấp chính quyền địa phương, các ngành SX và nhân dân ghi nhận. Lực lượng QLTT đã chuyển mạnh sang kiểm tra theo chuyên đề như: Các cơ sở chế biến gỗ, sách giáo khoa, đồ chơi trẻ em, bánh trung thu... và được UBND tỉnh tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ kiểm tra các mặt hàng lĩnh vực quản lý chuyên sâu của các ngành như: Thuốc tân dược, phân bón... Kết quả 9 tháng đầu năm, Chi Cục QLTT kiểm tra 3.792 vụ, xử lý 3.501 vụ; thu nộp ngân sách 12,94 tỷ đồng; trị giá hàng chờ xử lý 710 triệu đồng. Việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết đang ngày càng trở nên phổ biến, không những tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Thành phố mà còn diễn ra ngay tại các cửa hàng, chợ khu vực nông thôn.


* Đối với công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư:

Để chủ động đồng hành cùng các nhà đầu tư, Sở đã chủ động chỉ đạo rà soát toàn diện các dự án đầu tư SXCN. Qua khảo sát cho thấy, trong tổng số 114 dự án đầu tư SXCN trên địa bàn toàn tỉnh, có đến 55 dự án chậm tiến độ, gây khó khăn cho tăng trưởng SXCN. Sở đã có Báo cáo số 913/SCT-MĐT ngày 30/7/2014 báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án; hỗ trợ kêu gọi các tập đoàn may mặc lớn về đầu tư trên địa bàn nông thôn, miền núi; tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng 9 tháng đầu năm, tổng giá trị thực hiện các dự án công nghiệp đã đạt 27.997 tỷ đồng, tăng 1,96 lần so với cùng kỳ, tạo thế và lực mới cho SXCN tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.


* Đối với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước:

Sở đã chỉ đạo rà soát các lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao, phát hiện những vấn đề công tác quản lý Nhà nước của ngành còn chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ để khẩn trương khắc phục; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với BQL KKT Nghi Sơn; triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp với Cục Thống kê… Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn chi phí thời gian của các doanh nghiệp, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Thanh Hóa năm 2013 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố (tăng 36 bậc so với năm 2012).

 

Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được Sở Công Thương Thanh Hóa triển khai thực hiện đã mang lại kết quả tích cực. 9 tháng đầu năm 2014, ngành Công Thương đã đóng góp trong tăng trưởng 4,9%/10,4% tăng trưởng GDP toàn tỉnh; Chỉ số SXCN (IIP) toàn tỉnh tăng 6,15%; Xuất khẩu tăng 14,9 % và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 17,2% so với cùng kỳ.

 

Dự báo năm 2014, ngành Công Thương cơ bản hoàn thành 3 chỉ tiêu kế hoạch gồm: GTSXCN đạt 30.650 tỷ đồng (giá CĐ 1994); Xuất khẩu vượt 1 tỷ USD; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt trên 60.000 tỷ đồng, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014.

Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa