Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:28 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

USAID hỗ trợ Đà Nẵng bảo vệ nguồn nước và quản lý chất thải rắn

25/06/2021

Ngày 4/6 vừa qua, Lễ ký kết trực tuyến khởi động dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” giữa các bên liên quan do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã diễn ra tại TP. Đà Nẵng.

Cụ thể, tại Đà Nẵng từ tháng 3/2021 - 6/2023, dự án "Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước" do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Cộng đồng (CECR) triển khai trong khuôn khổ Chương trình sáng kiến địa phương (Local work) được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thực hiện với kinh phí 10 tỷ đồng.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác dự án "Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước". Ảnh: SGGP
Hoạt động chủ yếu của dự án là ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững (2 khu dân cư tại quận Thanh Khê và 3 thôn tại huyện Hòa Vang, 1 mô hình chăn nuôi heo tiết kiệm nước, 2 mô hình cộng đồng bảo vệ nguồn nước); thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh và tái sử dụng nước trong doanh nghiệp; phối hợp triển khai các hoạt động của Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”…

Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ Đà Nẵng triển khai dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GREENHUB) thực hiện với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành địa phương tiên phong của cả nước trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Dự án được triển khai từ nay đến tháng 7/2023 với các hoạt động chính như: hỗ trợ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa cấp quận; hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa cấp thành phố; chia sẻ thông tin và truyền thông kết nối thông qua nền tảng số; kết nổi, trao đổi bài học kinh nghiệm giữa các địa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa... Dự án lựa chọn quận Cẩm Lệ và quận Hải Châu để thúc đẩy các hành động tại cộng đồng dân cư.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã đồng hành cùng thành phố triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng.

“Hoạt động bảo tồn nguồn nước, quản lý rác thải nhựa, thực hiện phân loại rác tại nguồn được TP. Đà Nẵng xác định là một tiêu chí rất quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố môi trường và là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Sở TN&MT cam kết sẽ chủ trì, đầu mối để thúc đẩy, triển khai hiệu quả từ các nguồn lực hỗ trợ hết sức quý báu này.” - Ông Chương nhấn mạnh.

Để các dự án hỗ trợ được triển khai hiệu quả, Sở TN&MT mong muốn các địa phương, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CECR, Trung tâm GreenHub và các đối tác liên quan xây dựng các hoạt động chi tiết; phân bổ nguồn lực phù hợp, có tiến độ, lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn; đồng thời phải phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định.

Ông Robert Layng, Giám đốc phòng Năng lượng và Môi trường (USAID) cho biết, đây là hai dự án đầu tiên và rất quan trọng của USAID trong lĩnh vực môi trường được dẫn dắt bởi tinh thần chung tay hành động và các địa phương làm chủ. USAID hi vọng sẽ có những đóng góp trực tiếp để Đà Nẵng có thể thực hiện một cách hiệu quả Đề án Thành phố môi trường, đồng thời nhấn mạnh cam kết của USAID trong việc cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe người dân một cách bền vững.
Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam đã đem đến những thách thức mới về môi trường như ô nhiễm không khí, nhu cầu năng lượng gia tăng, áp lực lên các nguồn tài nguyên bên cạnh tính dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thiên nhiên và tác động của BĐKH.

USAID hợp tác với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân và các tổ chức khác nhằm tiếp tục phát triển ngành năng lượng tái tạo, sạch, đảm bảo và theo định hướng thị trường; bảo tồn rừng và đa dạng sinh học; chống buôn bán động vật hoang dã; tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
Hà Trần