Covid-19 đang ảnh hưởng tích cực tới nhận thức và sự sẵn sàng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư hướng tới giá trị bền vững, thân thiện với môi trường.
Covid-19 khiến thế giới quan tâm hơn tới các giá trị bền vững. Đại dịch Covid-19 gây ra những tác động khủng khiếp tới mọi mặt của đời sống, đầy nền kinh tế rơi vào trì trệ, đe dọa sức khỏe, tính mạng và kế sinh nhai của hàng tỷ người trên thế giới.
Tuy nhiên, cơn đại thảm họa này dường như cũng đang báo hiệu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, từ những bài học tinh thần đoàn kết cộng đồng, những thành tựu vượt bậc về ứng dụng khoa học công nghệ cho tới kinh nghiệm về quản trị rủi ro và nhu cầu kiện toàn chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, nhận thức và sự sẵn sàng thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng tới các giá trị bền vững cũng được nâng cao một cách đáng kể dưới tác động của đại dịch Covid-19, theo khảo sát mới đây được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp (IBV) thuộc tập đoàn IBM.
Cụ thể, khảo sát 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho thấy kết quả đáng kinh ngạc: 90% người được khảo sát cho biết Covid-19 là tác nhân hàng đầu làm thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề khí hậu, môi trường, nhiều hơn hẳn tác động từ những sự kiện như cháy rừng và hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu, tăng 22% so với kết quả khảo sát trước Covid-19.
54% người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm, dịch vụ được cung ứng bởi những doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, bất chấp sự thu hẹp về khả năng tài chính do tác động kinh tế của đại dịch. Hơn 60% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Trước xu thế bùng nổ của các dòng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng và không phát thải, 82% người tiêu dùng cũng cho biết sẽ lựa chọn các phương tiện này, bất chấp các vấn đề về chi phí.
Kết quả khảo sát có sự khác biệt nhất định giữa các quốc gia được khảo sát, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Canada, Đức, Mexico, Tây Ban Nha, Brazil và Trung Quốc. Cụ thể, người Mỹ tỏ ra ít quan tâm tới các giá trị bền vững nhất, trái ngược so với 2 quốc gia châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc.
Tháng 2 vừa qua, một khảo sát được thực hiện bởi GlobeScan cũng chỉ ra kết quả tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia của GlobeScan nhận xét, các doanh nghiệp vẫn cần phải đầu tư để tối ưu giá trị sản phẩm, dịch vụ bởi yếu tố bền vững chỉ là điểm cộng, không thể quyết định hoàn toàn lựa chọn của thị trường.
Đầu tư và việc làm
Trước xu thế mới trong nhận thức và thái độ của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những tuyên bố, cam kết về việc thúc đẩy chuyển đổi dây chuyền sản xuất, kinh doanh, thay đổi thiết kế sản phẩm có trách nhiệm hơn với môi trường và khí hậu.
“Doanh nghiệp trong nhiều ngành đang tìm cách hành động để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng, nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý về môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đạt được những bước tiến trong việc xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải nhà kính nhờ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain)”, TS. Murray Simpson của IBV cho biết.
Quyết định này không chỉ giúp doanh nghiệp trở nên “thân thiện” hơn trong mắt người tiêu dùng mà còn đối với lực lượng lao động. Theo đó, 71% nhân viên và lao động đang tìm việc làm cho biết “bền vững với môi trường là yếu tố khiến nhà tuyển dụng trở nên hấp dẫn hơn”. Gần một nửa cũng cho biết sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn để cống hiến cho các doanh nghiệp, tổ chức có trách nhiệm.
Theo khảo sát trước đó của IBV, khoảng 25% nhân sự đang có kế hoạch chuyển việc trong năm nay. IBV nhận định, các công ty hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ mất đi những nhân tài hàng đầu vào tay đối thủ cạnh tranh có ý thức hơn với môi trường.
Giá trị bền vững cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của cá nhân khi 48% nhà đầu tư cá nhân cho biết đã suy xét đến yếu tố môi trường trong các khoản đầu tư và 21% cho biết sẽ thực hiện điều này trong tương lai. 59% nhà đầu tư chứng khoán khẳng định hành vi mua, bán cổ phiếu của họ một phần sẽ dựa trên tiêu chí bền vững.
Theo TheLEADER.vn