Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:20 GMT+7

Điển hình

Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội xanh hóa sản xuất

27/04/2021

Xanh hóa trong sản xuất thông qua xây dựng các mô hình “Nhà máy xanh” đã và đang là yêu cầu cấp thiết của ngành dệt may Việt Nam. Vì thế, các biện pháp xanh hóa sản xuất bằng việc tiết kiệm năng lượng, xử lý nước thải, tái chế phế phẩm, lắp đặt các tấm quang điện áp mái tại các nhà máy… đang được nhiều doanh nghiệp dệt may trong đó có Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) triển khai áp dụng.
Hình thành nhà máy xanh
Cuối năm 2020, tại Nghi Lộc (Nghệ An), giai đoạn 1 Dự án Nhà máy may của Hanosimex được thiết kế theo tiêu chuẩn “Xanh” của Mỹ đã kịp hoàn thành và đi vào sản xuất.
Ông Hồ Lê Hùng - Tổng giám đốc Hanosimex - cho biết, nhà máy được xây dựng đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn Green Leed của Mỹ. Nhà máy được thiết kế, xây dựng và vận hành theo hướng giảm thiểu các tác động đến môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và cung cấp môi trường sống, làm việc tốt cho người lao động.
Nhà máy may Hanosimex Nghệ An xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn Nhà máy xanh của Mỹ
Đặc biệt, một phần điện phục vụ cho sản xuất tại nhà máy được sử dụng năng lượng mặt trời thông qua các tấm quang điện được lắp trên mái nhà xưởng. Đây chỉ là một trong ba nhà máy của Hanosimex đã triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái để phục vụ cho sản xuất. Điều này không những giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí điện năng, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp giảm áp lực cho lưới điện quốc gia và giúp giảm bớt nhiệt độ của nhà xưởng vào mùa hè.
“Hanosimex cũng hợp tác với nhà đầu tư để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại hai nhà máy của tổng công ty ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam)” – ông Hùng cho hay.
Hướng đến sản xuất sạch hơn
Ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề môi trường. Không chỉ sử dụng nhiều năng lượng, ngành dệt may đặc biệt là ngành nhuộm còn sử dụng nhiều hóa chất bắt buộc phải xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Hiện ở nhiều địa phương, chính quyền không cấp phép cho các dự án đầu tư dệt nhuộm, là một khó khăn đối với ngành dệt may trong việc đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ từ vải và sợi mà các hiệp định thế hệ mới yêu cầu.Các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam đang hiện có xu hướng chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Cùng với đó người tiêu dùng trên toàn cầu cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm.
Đón bắt các xu thế trên, cùng với việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, Hanosimex còn được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành dệt may Việt Nam sớm áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường thông qua tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất.
Để giảm thiểu ô nhiễm, từ năm 2014, Hanosimex đã đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt các biến tần cho quạt thông gió, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, Hanosimex đã tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, giảm 4.000 tấn CO2/năm. Tại các phân xưởng dệt, Hanosimex đầu tư hệ thống hút bụi, tại các lò cấp hơi sử dụng nước, nên giảm được 3 - 5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Ngoài ra, nhiều nhà máy của tổng công ty cũng đã bố trí lại lao động, ca sản xuất để giảm sử dụng điện giờ cao điểm; bảo dưỡng thiết bị được quản lý theo chuẩn ISO, xây dựng cơ chế quản lý năng lượng dựa trên định mức tiêu thụ…
Mục tiêu Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt ra trong Chiến lược xanh hóa ngành dệt may đó là phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo.
 Theo: Báo Công Thương