Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:13 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy

17/03/2021

Hà Nội phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021. Theo kế hoạch, toàn Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021 đạt các chỉ tiêu: Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%. 80% các khu, cụm công nghiệp và 50% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.
UBND thành phố Hà Nội sẽ triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được những mục tiêu trên. Cụ thể, xây dựng tài liệu, phổ biến chính sách pháp luật, các mô hình, thực hành tốt về sản xuất tiêu dùng bền vững (lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường...) trên địa bàn Thành phố. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về lợi ích việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại.
Xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường; tổ chức phổ biến hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững.
Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi theo các ngành.
Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc ngành gốm sứ trên địa bàn Thành phố áp dụng các giải pháp, phương thức nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu, năng lượng. Xây dựng, ứng dụng, phổ biến công cụ hỗ trợ trong quản lý để áp dụng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối.

Hà Nội phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy. Ảnh minh họa 
Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xuất nhập khẩu xây dựng các tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp theo các cam kết quốc tế. Hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phổ biến cho người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường.
UBND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện lồng ghép và các nội dung của các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Quản lý và phát triển hoạt động Logistic; phát triển thương mại điện tử; chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình khuyến công; chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ... bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2121-2025 đề ra.
Liên quan tới vấn đề trên, theo thông tin từ Bộ TN&MT, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải nguy hại đặc biệt là rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Ước tính, mỗi năm, có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua…
Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Trong khi đó, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Số liệu thống kê từ Bộ TN&MT cũng cho thấy, từ năm 2010 đến 2018, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tăng trung bình hằng năm khoảng 12%. Năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 42.790 tấn/ngày; năm 2018 tăng lên đến khoảng 61.600 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 37.200 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 24.400 tấn/ngày.
Các địa phương có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 6000 tấn/ngày chiếm tỷ lệ 3,17%; khối lượng lớn hơn 1000 tấn/ngày chiếm 7,9%; lớn hơn 600 tấn/ngày chiếm 23,8%; lớn hơn 200 tấn/ngày chiếm 36,5%, và nhỏ hơn 200 tấn/ngày chiếm tỷ lệ 28,6%.
Riêng về chất độc hại amiang, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay có hơn 100 nghìn người chết do các bệnh liên quan đến amiang. Trong đó, Việt Nam nằm trong top 7 nước sử dụng nhiều amiang nhất thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong nhiều năm, lượng amiang nhập vào khoảng trên dưới 60 nghìn tấn/năm. Hiện nay, cao điểm là nhập khẩu tới 10 nghìn tấn amiang/năm.
Riêng trong lĩnh vực tấm lợp, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng 75-80 triệu m2/năm, khi những tấm lợp này hư hỏng hay bị thay thế thì việc xử lý để bảo đảm an toàn không hề đơn giản. Theo thống kê của thế giới, có hơn 80% ung thư trung biểu mô là do nhiễm độc amiang.
Theo VietQ.vn

Tags: