Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 10:13 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa

07/01/2021

Cuối tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Lễ khởi động Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam.
Nhựa là một phát minh quan trọng, đóng vai trò to lớn trong sản xuất và đời sống sinh hoạt của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, cách thức sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa thiếu bền vững, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần, đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho môi trường, các hệ sinh thái. Rác thải nhựa hiện được xem là “báo động đỏ,” là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung.Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, ô nhiễm đại dương mà đặc biệt từ rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, sức khỏe cộng đồng, các ngành kinh tế, du lịch, y tế cộng đồng và xã hội.

Việt Nam cần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện môi trường hơn.”
Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Tại Lễ khởi động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kêu gọi và đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Diễn đàn kinh tế thế giới, các quốc gia, các tổ chức quốc tế để thực hiện hiệu quả Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam cũng như nhiều chương trình, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa khác.
Trong đó, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: trước hết, cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy.
Tại Lễ khởi động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi rất mong đợi sự đóng góp từ Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam để hỗ trợ các chiến lược, kế hoạch và cơ chế quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho những sáng kiến có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và trong ASEAN.”
Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Toàn cầu về nhựa, Thành viên Ủy ban Điều hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết: “Thông qua sự hợp tác này, chúng tôi rất vui mừng đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Việt Nam - một mối quan hệ dựa trên mong muốn chung nhằm triển khai các mô hình tuần hoàn bền vững hơn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú của Việt Nam và bảo vệ sinh kế của người dân Việt Nam. Tôi kỳ vọng những bài học và thành công từ chương trình đối tác sẽ cung cấp thông tin, xúc tác cho các sáng kiến tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”./.
Trần Hà t/h