Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:38 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Đà Nẵng: Sử dụng bao bì thân thiện môi trường

02/10/2020

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện "Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn thành phố. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
Các siêu thị sử dụng lá chuối bọc rau xanh, hạn chế sử dụng túi nilon
TP. Đà Nẵng giao cho Sở Công Thương trong giai đoạn 2021 - 2025 là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; tiêu chuẩn về nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; chính sách thúc đẩy sản xuất phân phối và tiêu dùng cho sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần, các quy định về mua sắm công xanh.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu, bia, nước giải khát, giấy và chế biến thủy - hải sản; 80% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tuyên truyền tiêu dùng bền vững đến người dân thành phố; xây dựng và triển khai áp dụng 1 - 2 mô hình về sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững để phổ biến, nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ có 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường dần thay thế cho túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng 1 lần, khó phân hủy; xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đến năm 2030, TP. Đà Nẵng sẽ hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất; 100% các khu, cụm công nghiệp được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã dần chuyển sang sử dụng các túi, bao bì đựng sản phẩm thân thiện với môi trường như MM Mega Market sử dụng thùng giấy carton chứa sản phẩm sau khi mua, Coopmart, VinMart sử dụng túi nilon dễ phân hủy, một số siêu thị có sản phẩm "túi đi chợ" sử dụng nhiều lần.
Trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện của Đà Nẵng cũng triển khai nhiều hoạt động tại khu dân cư trong việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong tiêu dùng. Điển hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu đã xây dựng Quỹ học bổng "Ước mơ xanh", giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, được đến trường từ nguồn thu gom và phân loại rác thải tái chế. Trung bình mỗi đợt thu gom, Quỹ có thể thu về từ 6 - 10 triệu đồng. Riêng năm học 2020 - 2021, phường Hòa Thuận Tây đã trao 67 suất học bổng "Ước mơ xanh", mỗi suất từ 500 - 800 nghìn đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực khá trở lên.
Ngoài ra, qua 4 năm triển khai, sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu) thu hút 29 doanh nghiệp tham gia, triển khai áp dụng 228 giải pháp sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng, giúp cắt giảm mỗi năm trên 2.628.774kWh điện, 51.531m3 nước thải, 2.180 tấn than, trên 5.000 tấn CO2 và 2.793 tấn chất thải rắn; tiết kiệm trên 15 tỷ đồng chi phí/năm.
Theo: Báo Công Thương