Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 12/12/2024 | 11:39 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu chế tạo thủy tinh bọt cách nhiệt”

07/09/2020

Ngày 31/8/2020, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo thủy tinh bọt cách nhiệt” - mã số: RD 39-17, do Viện VLXD thực hiện.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu
Tại cuộc họp, chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Văn Minh cho biết, thủy tinh bọt là loại vật liệu xốp vô cơ có tính năng cách nhiệt và chống cháy tốt, được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và dân dụng. Hiện nay ở Việt Nam, vật liệu cách nhiệt nói chung, sản phẩm thủy tinh bọt cách nhiệt nói riêng đều chủ yếu phải nhập khẩu. Việc nghiên cứu thủy tinh bọt cách nhiệt sẽ có tiềm năng ứng dụng cao, đặc biệt là việc tận dụng nguồn thủy tinh phế thải làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sẽ có ý nghĩa lớn cả về kỹ thuật, kinh tế và môi trường.
Qua báo cáo tổng kết đề tài, cho thấy các nội dung chính nhóm nghiên cứu đã thực hiện. Theo đó, trong phần tổng quan lý thuyết, đề tài đã tóm lược được những đặc điểm kỹ thuật của thủy tinh bọt, trong đó có so sánh các tính năng cần thiết của thủy tinh bọt với các sản phẩm cách nhiệt khác, qua đó cho thấy phạm vi ứng dụng rộng rãi của dòng sản phẩm này. Phần tổng quan cũng đề cập đến các hệ thủy tinh khác nhau, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và định hình bọt trong công nghệ chế tạo dòng sản phầm này. Từ các vấn đề lý thuyết này, kết hợp với những vấn đề đúc rút được từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, đề tài đã định hướng được việc lựa chọn nguyên vật liệu và quy trình nghiên cứu thực nghiệm.
Trong phần thực nghiệm, đề tài đã lựa chọn được 2 loại chất tạo bọt là soda và than cốc, trên cơ sở đó khảo sát ảnh hưởng của tỷ lệ chất tạo bọt và nhiệt độ nung đến các tính chất cơ bản của sản phẩm. Trên cơ sở phân tích, nhận xét và so sánh các kết quả thu được, đề tài đã lựa chọn được loại và hàm lượng chất tạo bọt cho hiệu quả cao, kèm theo đó là nhiệt độ nung thích hợp cho quá trình tạo bọt.
Trên cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, đề tài đã triển khai sản xuất thử nghiệm với sản phẩm có kích thước lớn, chế tạo được 30 tấm thủy tinh bọt như yêu cầu đặt hàng. Từ đó, đề tài đã sơ bộ đề xuất được quy trình công nghệ quy mô nhỏ (20.000 m3/năm) chế tạo thủy tinh bọt từ kính phế thải và tính toán sơ bộ giá thành sản phẩm.
Nhận xét về kết quả thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng và hai ủy viên phản biện là PGS.TS Nguyễn Duy Hiếu (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và TS Nguyễn Thành Đông (Bộ môn Công nghệ Vật liệu Silicat, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá, báo cáo tổng kết đề tài đáp ứng cơ bản về tính khoa học và hình thức, đủ điều kiện đưa ra bảo vệ trước Hội đồng khoa học. Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại như: Phần tổng quan trình bày khá dài nhưng không tập trung vào đối tượng và mục đích nghiên cứu. Chưa có thông tin về nguồn cung cấp và lượng thủy tinh phế thải. Việc trình bày các nội dung lý thuyết chung về thủy tinh không liên quan đến định hướng công nghệ và kết quả thực nghiệm của đề tài làm cho báo cáo giảm tính tập trung và cô đọng. Để hoàn thiện kết quả nhiệm vụ, các chuyên gia trong Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, sửa chữa, bổ sung một số nội dung. Theo đó: Cần chỉnh sửa nhiều câu không rõ nghĩa, nâng cao tính logic trong lập luận; Bổ sung luận bàn, giải thích các kết quả thực nghiệm, sửa lỗi chính tả; Cần nêu rõ cơ sở lựa chọn một số thông số trong nghiên cứu và nguồn trích dẫn; Xem xét bổ sung thêm một số tài liệu trong nước liên quan đã được công bố; Quy trình công nghệ và tính toán kinh tế cần chính xác và cụ thể hơn.
Kết luận cuộc họp, TS Nguyễn Quang Hiệp (Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng), Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các góp ý của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nhiệm vụ, trong đó lưu ý hai nội dung quan trọng là cần bổ sung thuyết minh rõ hơn quy trình công nghệ và cần đưa ra phạm vi ứng dụng của sản phẩm đề tài.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả đạt loại Khá.
Theo: Bộ Xây Dựng