Trong suốt chiều dài 45 năm lịch sử, Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đã phát triển thành một trong những kho xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với hiệu suất kinh doanh cao cùng công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, an toàn, bền vững.
Hòa chung vào không khí hân hoan, nồng nhiệt, xúc động, lãnh đạo và toàn thể CBCNV Tổng kho tự hào ôn lại chặng đường dài 45 năm phát triển của doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển đi lên của Đất nước và khẳng định, sự phát triển của Tổng kho hiện nay là sự phát triển bền vững, tăng trưởng về quy mô sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái sống xung quanh Tổng kho.
Cảnh quan hệ thống công nghệ và cầu cảng tại TKNB
Ý thức được xăng dầu là huyết mạch của quốc gia, và song song với nó luôn là mối nguy tiềm ẩn rủi ro môi trường, đó là sự cố tràn dầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây hại cho cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, dẫn đến những tác động nghiêm trọng. Với tâm thế trên, Tổng kho luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nổi bật như sau:
1. Cải tiến công nghệ: là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành xăng dầu sáng chế và áp dụng thành công công nghệ hệ thống xả kín tại Tổng kho. Cụ thể là theo quy trình xuất nhập xăng dầu, sau mỗi lần nhập lưu tại các bể chứa, Tổng kho phải tiến hành xả nước đáy bồn và thông qua hệ thống xả kín, Tổng kho hạn chế tối thiểu lượng nước thải nhiễm dầu xả vào hệ thống thu gom & xử lý nước thải, đồng thời thu hồi tối đa lượng dầu để tái sử dụng.
Hệ thống xả kín điển hình áp dụng tại TKNB
2. Về công nghệ xử lý nước thải: Tổng kho được đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung theo công nghệ mới của Singapore, hiện đại, tự động hóa, kết quả xử lý đạt hiệu quả tốt phù hợp QCVN 29:2010/BTNMT và được Sở Tài nguyên môi trường TPHCM xác nhận hoàn thành.
Cảnh quan hệ thống xử lý nước thải tập trung của TKNB
Các loại chất thải rắn phát sinh trong Tổng kho đều được phân loại rác tại nguồn, và xử lý theo đúng quy định của Pháp Luật. Ngoài ra, Tổng kho còn được Công ty đầu tư chương trình giải thiểu lượng cỏ thải phát sinh trong các khu bồn, bằng cách trồng cỏ xuyến chi thay cho cỏ dại mọc tự do.
Đây là một loại cỏ có sức sống mạnh mẽ, chống lại được sự xâm lấn của cỏ dại và có chiều cao hạn chế từ 10-20cm, phù hợp trồng trong các khu bồn để giảm nhiệt độ bồn thép khi thời tiết nắng nóng, mà không bị che khuất tầm nhìn đường ống công nghệ, từ đó hạn chế hao hụt xăng dầu, góp phần tạo mỹ quan xanh sạch đẹp cho Tổng kho, tiết kiệm được chi phí xử lý cỏ thải hàng năm.
Đặc biệt, Tổng kho rất chú trọng đến công tác ứng phó sự cố tràn dầu và được đầu tư theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, sẵn sàng ứng phó đối với sự cố gây mất an toàn và làm ảnh hưởng đến môi trường. Từ năm 2006 khi triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đến nay, Công ty đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, lực lượng lên đến hơn 20 tỷ đồng.
TKNB đủ điều kiện đáp ứng, duy trì nguồn lực trực phòng ngừa 24/24, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức ứng cứu khi xảy ra sự cố từ cấp độ I trở xuống theo quy định pháp luật. Ngoài ra có thể cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó sực cố tràn dầu cho các khách hàng khi có yêu cầu.
Năm 2019, Tổng kho vinh dự được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lựa chọn là nơi tổ chức hoạt động huấn luyện thực tập công tác ứng phó sự cố tràn dầu toàn ngành, đào tạo hơn 150 học viên tại các đơn vị nội bộ ngành với sự tham gia, chứng kiến của các Sở, Ban ngành Thành phố.
Trong suốt chiều dài 45 năm lịch sử, Tổng kho đã vươn mình phát triển thành một trong những kho xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với hiệu suất kinh doanh cao cùng công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, an toàn, bền vững.
Đại diện của Petrolimex Sài Gòn– TKNB tham dự lễ trao tặng Giải thưởng Môi Trường TP.HCM
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, Tổng kho cùng Công ty đã được Sở ban ngành cùng Chính phủ đánh giá rất cao và ghi nhận bằng những giải thưởng danh giá, cụ thể như Giải thưởng Môi Trường năm 2014 của TP.HCM và Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Công Thương về việc có thành tích xuất sắc trong công tác Bảo Vệ Môi Trường ngành Công Thương.
Theo: Tạp chí Công Thương