Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:21 GMT+7

Điển hình

Nhật Bản cổ súy than “sạch” để chống biến đổi khí hậu

05/11/2020

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố loại bỏ 90% nhà máy điện than cũ và không hiệu quả, đồng thời xây dựng các nhà máy điện than hiệu quả cao và “sạch” hơn vào năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Hiroshi Kajiyama cho biết năng lượng từ than đá sẽ vẫn là nguồn điện cơ bản của Nhật Bản nhưng 114 nhà máy điện phát thải CO2 cao sẽ ngừng hoạt động để giảm tổng lượng phát thải.
Nhật Bản hiện có 140 nhà máy điện than.
Nhà máy điện than phát thải thấp ở gần Isogo, Nhật Bản. (Ảnh: MCA)
Để vươn tới một xã hội trung tính về carbon, các nhà máy điện than mới sẽ được trang bị các hệ thống hiệu quả nhằm sử dụng năng lượng tái tạo làm nguồn năng lượng chính.
Bộ trưởng Kajiyama có kế hoạch thúc đẩy năng lượng tái tạo bằng cách rà soát các quy tắc sử dụng lưới điện. Tháng 7 này, METI sẽ họp với các chuyên gia để đưa ra những biện pháp cụ thể giảm lượng CO2 từ các nhà máy điện than không hiệu quả. Giới hạn của việc phát điện sẽ được đặt ra cho các nhà máy điện không hiệu quả với sự hợp tác của các nhà cung cấp điện.
Tháng 12/2019, Liên hợp quốc kêu gọi các thành viên ngừng xây dựng nhà máy điện than mới sau năm 2020. Nhưng Bộ trưởng Kajiyama cho biết Nhật Bản sẽ không đặt mục tiêu việc loại bỏ hoàn toàn năng lượng than như ở các nước châu Âu. Đầu tháng 7, Bộ trưởng METI phát biểu rằng điều cần thiết là sử dụng hợp lý nhất tổng hòa các nguồn năng lượng do Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên.
Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài để cung cấp điện nhưng tỷ lệ than, dầu, khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân đã thay đổi đáng kể sau khi trận động đất và sóng thần Sendai năm 2011 gây nóng chảy lõi 3 lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Trong bối cảnh năng lượng hậu thảm họa, năng lượng hạt nhân giảm mạnh từ chiếm 30% tổng hòa năng lượng của Nhật Bản xuống còn 1,7% vào năm 2012 – điều này cũng trùng khớp với kế hoạch xây dựng 22 nhà máy điện than mới. Tính đến năm tài chính 2018, than đá chiếm 32% tổng sản lượng điệnNhật Bản, chỉ đứng sau khí đốt tự nhiên với mức 38%. METI đặt mục tiêu giảm điện than xuống 27% vào năm 2030 và nâng năng lượng tái tạo lên mức 22 -24%.
Ngay cả với các mô hình mới nhất về nhiệt điện than hiệu quả cao, lượng phát thải CO2 sẽ chỉ giảm được 20-30%. Nhưng công nghệ điện than hiệu quả cao đang được rêu rao là lựa chọn tốt nhất và rẻ nhất cho các nước đang phát triển. Nhật Bản đã chộp lấy cơ hội để hỗ trợ các dự án nhà máy nhiệt điện than ở Đông Nam Á – hành động mâu thuẫn với sự chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng xanh. Điều này biến Nhật Bản trở thành bên rót tài chính lớn nhất khối G7 cho sản xuất điện than cả trong và ngoài nước.
Năm 2018, hướng dẫn năng lượng cơ bản của Nhật Bản đưa ra bốn điều kiện để cung cấp kinh phí chính phủ cho xuất khẩu các nhà máy điện than. Một dự án điện than ở Việt Nam được chính phủ và các định chế tài chính Nhật Bản hỗ trợ đã bị soi xét kỹ lưỡng sau khi Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi chỉ trích việc METI phê duyệt dự án là một hành động thiếu cân nhắc và đi ngược lại các tiêu chí trong hướng dẫn năng lượng cơ bản năm 2018 của chính Bộ này.
Chính sách môi trường của Nhật Bản thường xuyên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là thiếu các mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính. Theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, Nhật Bản cam kết vào năm 2030 sẽ giảm 26% lượng khí thải nhà kính so với năm 2013. Nhưng việc chuyển đổi về mặt kỹ thuật từ điện than ô nhiễm cao sang năng lượng than đá tiên tiến “sạch” hơn có vẻ như là một bước đi ngược lại. Ngay cả các quy hoạch năng lượng than “tiên tiến” mới cũng sẽ bổ sung 74,7 triệu tấn khí CO2 – mức có thể vượt quá các mục tiêu giảm carbon hàng năm.
Shinjiro Koizumi – con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi – trở thành Bộ trưởng Môi trường vào tháng 9/2019 và lâu nay vẫn tìm cách hạn chế Nhật Bản xuất khẩu điện than và đẩy nhanh quá trình loại bỏ carbon. Nhưng về truyền thống thì METI có vai trò quản lý chính sách than nhiều hơn Bộ Môi trường. Bộ Môi trường không có thẩm quyền quyết định xuất khẩu cơ sở hạ tầng cũng như các chính sách năng lượng, và về mặt nội bộ không thể phối kết hợp với một bộ khác trong chính phủ. Những lời phát biểu công khai của Bộ trưởng Koizumi đi ngược với chủ trương “nghiện than” của chính phủ đã khuấy động tranh cãi trong đảng LDP vì gây ra ấn tượng về sự bất hòa trong nội các.
Theo thiennhien.net